Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 3: Tự quản ở bếp ăn tập thể

DIỄM LỆ 27/04/2016 08:04

Thời gian gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Bởi đây là yếu tố quan trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động (NLĐ) mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 2: "Bẩn" từ đầu vào đến đầu ra
  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 1: Nguy cơ từ đồng ruộng
Nhân viên bếp ăn tập thể của các công ty thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ luôn phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định.Ảnh: D.L
Nhân viên bếp ăn tập thể của các công ty thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ luôn phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định.Ảnh: D.L

Lo bữa ăn ca

Có mặt tại Công ty CP May Hòa Thọ Hội An vào thời điểm những đầu bếp đang chuẩn bị 569 suất ăn trưa cho NLĐ, với các món cá chiên, thịt heo luộc kèm rau sống, canh tôm mướp, rau xào. Mỗi suất ăn trị giá 15 nghìn đồng chưa kể chi phí kèm theo. Theo các đầu bếp, thực đơn phải được thay đổi liên tục trong tuần nhằm tránh nhàm chán. Nguồn cung cấp thực phẩm là rau quả từ nông dân ở các làng rau của Hội An; cá thịt do các tiểu thương là mối cung cấp lâu dài cho công ty. Bà Lê Thị Hà, một NLĐ lâu năm tại công ty, nói: “Tôi gắn bó với công ty đã lâu, nay sắp về hưu rồi, tôi chưa từng xảy ra ngộ độc thực phẩm ở đây. Bữa ăn ca của NLĐ được lãnh đạo công ty quan tâm nên suất ăn tôi thấy đảm bảo, ăn no và không thiếu chất”.

Còn tại Công ty CP May Hòa Thọ Phú Ninh, NLĐ ở đây không chỉ được ăn ca trưa (14 nghìn đồng/suất - không tính chi phí ngày công của đầu bếp) mà còn được cho ăn sáng tập trung (5 nghìn đồng/suất), chiều được cho 5 nghìn đồng để NLĐ tự bồi dưỡng. Bà Nguyễn Thị Ánh Dung - bếp trưởng bếp ăn tập thể của công ty, cho biết: “Nguồn gốc thực phẩm thì công ty ký kết hợp đồng với các tiểu thương chợ Tam Kỳ cung cấp, tất cả phải đảm bảo an toàn, tươi ngon và họ phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề an toàn. Tất cả nhân viên của bếp ăn đều được huấn luyện kiến thức về ATVSTP và định kỳ 6 tháng được khám sức khỏe theo đúng quy định”. Chị Nguyễn Thị Minh Trang, một công nhân may, nói: “Bữa ăn trưa tại công ty tôi thấy đảm bảo, gần đây còn có ăn sáng nữa nên công nhân đỡ tốn kém. Tuy vậy, nếu công ty làm ăn khá thì tăng thêm chất lượng bữa ăn ca trưa cũng là điều tốt cho công nhân”.

Là công ty có số lượng lao động đông nhất tỉnh (hơn 13 nghìn lao động), Công ty Giày Rieker Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) không tự tổ chức bếp ăn tập thể, mà hợp đồng với 5 nhà cung cấp suất ăn công nghiệp cho NLĐ của công ty. Mỗi ngày, các đơn vị cung cấp suất ăn phải chịu trách nhiệm với công ty về chất lượng, an toàn của bữa ăn, bằng cách cung cấp mẫu thức ăn để bộ phận y tế của công ty lưu trữ theo đúng quy trình. Công ty còn ràng buộc các đơn vị cung cấp suất ăn bằng cách chấm điểm chất lượng bữa ăn, nếu đơn vị nào đạt điểm cao hơn thì được duy trì hợp đồng, nếu không đạt thì sẽ cắt hợp đồng cung cấp suất ăn. Dù lao động đông, nhiều đơn vị cung cấp suất ăn nhưng từ khi thành lập đến nay, điều đáng mừng là ở Rieker chất lượng bữa ăn luôn đảm bảo và ATVSTP.

Cần cải thiện chất lượng

Trước kia, các công ty có hơn 200 suất ăn tập thể đều được Chi cục ATVSTP tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được tổ chức bếp ăn tập thể. Hiện nay, theo quy định mới, các công ty tự tổ chức bếp ăn tập thể, nhưng phải chịu trách nhiệm về vấn đề ATVSTP. Nếu để xảy ra sự cố, người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp chú trọng đến tiêu chuẩn về ATVSTP. Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, cho biết: “Trong hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh, gần 120 bếp ăn tập thể có hơn 200 suất ăn do chi cục chịu trách nhiệm quản lý. Từ trước đến nay điều đáng mừng là chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra ở doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ý thức chấp hành của doanh nghiệp đối với các quy định liên quan đến ATVSTP đạt hơn 80%, doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng nguồn cung cấp thực phẩm nên chất lượng bữa ăn cũng đảm bảo hơn”.

Chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ đối với 100 công nhân ở 2 nơi là Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình) và Cụm công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ). Trong 100 người ngẫu nhiên làm việc ở nhiều công ty được hỏi, thì có 38 người trả lời rằng hài lòng với chất lượng bữa ăn, 17 người gọi bữa ăn ca là tạm được, 32 người nói bữa ăn ca cần được cải thiện, 13 người còn lại nói có mang theo thức ăn hoặc sữa ăn thêm vào nửa buổi chiều. Kết quả này cũng phần nào cho thấy bữa ăn ca rất quan trọng đối với NLĐ. Nhiều doanh nghiệp giờ đây đã chú trọng đến chất lượng bữa ăn của NLĐ, tuy nhiên hiện vẫn còn một số công ty chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, thực tế chất lượng bữa ăn ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động và thể hiện sự quan tâm của chủ doanh nghiệp. Còn nhớ, vào đầu tháng 4.2016, tại Công ty TNHH Germton (Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, xã Hương An, Quế Sơn), khoảng 250 công nhân đã lãn công tập thể để phản đối nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi, trong đó có chất lượng bữa ăn quá thấp. Trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng, 2 bên đã đối thoại, lãnh đạo công ty hứa tăng suất ăn từ 7.600 đồng/suất lên 15.000 đồng/suất. Nhưng trở lại với công nhân của công ty này vào cuối tháng 4, thì lời hứa trên vẫn là lời hứa. Chị Trần Thị Ánh N. (một công nhân may) cho biết: “Lãnh đạo công ty hứa nhưng không thực hiện, bữa ăn vẫn là 7.600 đồng/suất như trước. Thử hỏi, bây giờ cầm từng ấy tiền ra chợ làm sao mua được một món ăn cho có dinh dưỡng chứ đừng nói một bữa ăn”.

Rõ ràng, những quyền lợi thiết thân đối với NLĐ, trong đó có quyền được đảm bảo bữa ăn ca theo quy định không thấp hơn 15.000 đồng là điều rất cần thiết mà doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện.

----------------------
Bài 4: Quản lý không xuể

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 3: Tự quản ở bếp ăn tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO