Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài cuối: Thiếu và yếu

CHIÊU THỤC ANH 29/04/2016 09:10

Việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trở nên khó khăn khi cơ chế quản lý chưa chặt chẽ và lực lượng chức năng quá mỏng.

  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 4: Quản lý không xuể
  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 3: Tự quản ở bếp ăn tập thể
  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 2: "Bẩn" từ đầu vào đến đầu ra
  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 1: Nguy cơ từ đồng ruộng
Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP của tỉnh test nhanh mẫu rau xà lách, dưa chuột tại cơ sở Bê thui Mười (Vĩnh Điện, Điện Bàn).
Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP của tỉnh test nhanh mẫu rau xà lách, dưa chuột tại cơ sở Bê thui Mười (Vĩnh Điện, Điện Bàn).

Khó từ gốc

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối (Sở NN&PTNT) là cơ quan trực tiếp quản lý chất lượng thực phẩm trên lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2015, chi cục đã tiến hành lấy mẫu, thanh tra, kiểm tra hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Trong đó, thực hiện đánh giá, phân loại cho 112 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả có 9 cơ sở loại A (tỷ lệ 8,04%), 84 cơ sở loại B (tỷ lệ 75%) và 19 cơ sở loại C (tỷ lệ 16,96%). Ngoài ra còn có 3 đợt tái kiểm tra 30 cơ sở xếp loại C nhưng chỉ có 15 cơ sở được lên loại B, 9 cơ sở giữ nguyên loại C, 5 cơ sở tạm ngưng hoạt động và 1 cơ sở cố tình trốn tránh đoàn kiểm tra. Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối cho biết: “Việc xếp loại A, B hay C căn cứ vào các tiêu chí theo Thông tư 45 năm 2014 của Bộ NN&PTNT. Theo Thông tư 45, các cơ sở loại C phải công khai, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng chủ động nắm bắt. Tuy nhiên, hiện các thông tin chỉ mới dừng ở việc công bố trên website của Sở NN&PTNT. Chúng tôi cũng muốn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh để đưa thông tin đến gần người dân hơn nhưng vẫn chưa làm được”.

Theo các tiêu chí xếp loại của Thông tư 45, các cơ sở xếp loại C là những cơ sở không đảm bảo ATVSTP, sản phẩm do các cơ sở này sản xuất về mặt nguyên tắc không được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình xử lý các cơ sở loại C và sản phẩm của họ vẫn còn là câu chuyện khó của cơ quan chức năng. Ông Cao Tấn Thuấn - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối) nói: “Các cơ sở xếp loại C thường cố tình trốn tránh khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Rất nhiều cơ sở dù bị xếp hạng C nhưng vẫn đưa sản phẩm ra thị trường mà theo quy định hiện hành thì không thể rút giấy phép của các cơ sở đó được. Chúng tôi biết khá rõ điều đó nhưng trong quản lý, luật chồng luật như vậy nên nhiều khi cũng bó tay”.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối, trong 3 tháng đầu năm 2016, chi cục đã tiến hành kiểm tra, xếp loại định kỳ ATVSTP cho 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Vẫn như cũ, chỉ có 1 cơ sở được xếp loại A, 21 cơ sở xếp loại B, 3 cơ sở xếp loại C. Xếp loại nhưng chưa có chế tài xử phạt cứng rắn. Điều này chứng tỏ, việc quản lý ATVSTP ngay từ đầu ra đã gặp khó khăn.

Thiếu tiền, yếu nhân lực

Theo ông Cao Tấn Thuấn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối có 12 người nhưng 3 người là lãnh đạo, phòng chuyên môn chỉ có 5 người, còn lại làm nhiệm vụ hành chính, văn thư. Không có phòng thanh tra, chỉ có tổ thanh tra làm công tác kiêm nhiệm. “Chúng tôi nói vậy để thấy, lĩnh vực nông lâm thủy sản rất rộng, bao quát gần hết nguồn thực phẩm của người dân nhưng con người quá ít, việc kiểm soát tình hình trong điều kiện hiện nay quá khó nên hơn bao giờ hết cần được tăng cường nhân lực để làm tốt thanh tra, kiểm tra thị trường” - ông Thuấn tâm sự.

Một yếu tố nữa được lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối xem rào cản trong quản lý, thanh tra kiểm tra chất lượng nông lâm thủy sản là kinh phí. “Mỗi năm, chi cục được cấp 140 triệu đồng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Chi phí lấy mẫu, gửi đi kiểm định đã tốn rất nhiều tiền trong khi cần có tiền để phục vụ xăng xe, chi trả cho cán bộ khi đi thanh tra, kiểm tra. Vậy nên, dù chúng tôi có muốn thanh tra thường xuyên hơn, rộng hơn cũng không phải nói là làm được vì tiền đâu mà làm” - ông Phan Quang Dũng nói.

Cũng vì thiếu nhân lực và kinh phí nên năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối đã ưu tiên triển khai lấy 72 mẫu sản phẩm nông sản, thủy sản (30 mẫu rau quả, 27 mẫu thủy sản, 15 mẫu thịt heo) có nguy cơ mất ATVSTP tại các địa phương trọng điểm trên địa bàn tỉnh để phân tích các chỉ tiêu ATVSTP. Kết quả, có 59/72 mẫu đạt yêu cầu (chiếm 81,95%). So với năm 2014, số mẫu mất an toàn tăng 5,67%. So với các địa phương khác, số mẫu lấy kiểm định chất lượng được xem là khá ít. Riêng từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối ưu tiên lấy 24 mẫu thịt tại các địa phương trọng điểm như Tam Kỳ, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc và công bố kết quả không phát hiện có chất cấm trong tất cả các mẫu gửi đi kiểm định. Tuy nhiên, đây cũng là điều đáng lo ngại khi số lượng mẫu quá ít ỏi, trong khi tình hình vi phạm ATVSTP hiện nay đang tràn lan, gây hoang mang cho người dân…

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài cuối: Thiếu và yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO