Quảng Nam hiện có 17 quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau. Công tác kiểm soát các quỹ gặp nhiều vướng mắc.
Khu phố chợ Nam Phước là một trong những dự án được Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đầu tư hỗ trợ tài chính. Ảnh: T.D |
Tạo thêm nguồn lực
Khu chợ mới Nam Phước (Duy Xuyên) được dựng trên mặt ruộng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn thị trấn Nam Phước có phần đóng góp rất lớn của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam. Số vốn đầu tư 50 tỷ đồng cho dự án hoàn tất vào cuối năm 2014 chỉ là một trong số nhiều dự án mà Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam tham gia hiệu quả trong vòng 7 năm qua, từ các dự án hạ tầng bệnh viện, khu tái định cư đến trường học trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Tài chính, tổng số tiền cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam từ khi thành lập đến nay đạt 601,67 tỷ đồng, thu hút khoảng 4.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào 38 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Bình quân 1 đồng vốn của quỹ cho vay đã gián tiếp huy động khoảng 7 đồng vốn; 1 đồng vốn ngân sách cấp đã gián tiếp huy động được khoảng 31,6 đồng vốn ngoài xã hội tham gia đầu tư. Hiện 36 dự án nhận đầu tư từ quỹ đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, và đã thu hồi khoảng 325,91 tỷ đồng nợ vay.
Quỹ đầu tư phát triển là một trong 6/17 quỹ tài chính ngoài ngân sách đã được các đại biểu HĐND tỉnh giám sát. Trừ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (thu từ sử dụng dịch vụ môi trường rừng), Quỹ phòng chống thiên tai (huy động từ tổ chức, doanh nghiệp, người lao động) không nhận nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp, các quỹ còn lại đã được ngân sách cấp 280 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã hỗ trợ vốn vay đầu tư cho 91 đơn vị với dư nợ 27,605 tỷ đồng. Theo ông Võ Bảy - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hỗ trợ đầu tư của quỹ này đã giúp một số đơn vị có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết đầu tư, hình thành các mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết gần 20 năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã cho vay 535 dự án, cho 9.520 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động có thu nhập ổn định, giúp gần 2.500 hộ nông dân thoát nghèo. Quỹ bảo trì đường bộ chi theo nguyên tắc quyết toán, không bảo toàn vốn. Tất cả nguồn vốn (ngân sách trung ương, tỉnh cấp và thu phí mô tô) đã được sử dụng 50% để bảo trì đường huyện, đường xã và 50% bảo trì đường tỉnh, sau khi chi ủy thác quản lý khoảng 500 triệu đồng/năm và phục vụ trạm cân lưu động (khoảng 900 triệu đồng/năm). Ngoài ra, Quỹ phòng chống thiên tai không vì lợi nhuận, xem xét và cấp hỗ trợ thiên tai, lũ lụt và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng chi quyết toán, không bảo toàn vốn, sử dụng chủ yếu bảo vệ, phát triển rừng tại những vùng, địa bàn có sử dụng dịch vụ môi trường rừng, hoặc hỗ trợ người dân địa phương phát triển vùng đệm tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ…
Sẽ tích hợp, sắp xếp hợp lý
Có thể nhận thấy nguồn lực từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo các chức năng chuyên biệt đã đạt mục tiêu bảo tồn, phát triển nguồn vốn nhà nước, góp phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh… có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết đầu tư, phát triển kinh tế, tạm ứng, giải ngân bảo trì công trình, quản lý vốn xây dựng, hỗ trợ người dân địa phương phát triển rừng… Tuy nhiên, nhiều đại biểu của đoàn giám sát HĐND tỉnh tỏ ra băn khoăn khi ông Vũ Nguyễn - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, rất khó quản lý hay kiểm soát các quỹ tài chính này khi hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau. Các số liệu báo cáo cụ thể chưa thể tổng hợp được. Cơ quan quản lý chưa thể làm rõ vì sao các dự án đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX chỉ tập trung đầu tư ở 4 huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình và Phú Ninh. Còn Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành, Tiên Phước, Trà My, Nông Sơn nhu cầu vẫn nhiều nhưng ít được tiếp cận nguồn vốn từ quỹ này. Quỹ đầu tư phát triển dù sử dụng vốn hiệu quả nhưng nợ xấu chiếm quá lớn. Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, nợ xấu Quỹ đầu tư phát triển hơn 25%/tổng dư nợ nếu chiếu theo các tổ chức tín dụng là quá cao. Nợ xấu kéo dài cần phải nhanh chóng được thu hồi và sự giám sát của các cơ quan quản lý. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (tổng thu trong 3 năm khoảng 163,797 tỷ đồng), không biết địa chỉ để giải ngân. Ông Vũ Văn Thẩm nói, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng không ổn chút nào, không biết tổng số diện tích rừng quản lý là bao nhiêu. Chỉ khi nào địa phương đề nghị lên thì chi. Thu lớn mà chi không biết ở đâu. Tiền tồn đang nằm ở đâu? Còn Quỹ hỗ trợ ngư dân chỉ mới đầu tư vài chỗ, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thì phần lớn không có đủ lực thế chấp nên không có cách gì tiếp cận được.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cũng chưa yên tâm với hoạt động của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Ông Đức nói, ngày 3.11.2016, từng gửi văn bản đề nghị Sở NN&PTNT cung cấp kết quả trồng rừng thay thế, quy mô đầu tư, nhưng sở này cứ hẹn mãi vẫn chưa thể cung cấp cho Ban Kinh tế & ngân sách. Doanh nghiệp đã chuyển tiền, phê duyệt đã xong nhưng sao không thể nói được địa điểm, sao không có địa chỉ để chi? Hay như Quỹ phòng chống thiên tai theo kế hoạch sẽ thu khoảng 12,411 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới chỉ thu được 2,671 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho rằng, gần như ngư dân không biết đến Quỹ hỗ trợ ngư dân. Còn Quỹ phòng chống thiên tai thì ngay cả Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cũng lúng túng khi huy động đóng góp quỹ. “Doanh nghiệp đã đóng khá nhiều khoản thuế, phí, giờ thu thêm của họ e khó; mà họ thì cần gì thi đua, bình xét của chính quyền, nên cần chọn một con đường khác” - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành băn khoăn.
Những câu hỏi chưa có lời giải đáp nêu trên đã cho thấy rất khó kiểm soát đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, dù muốn hay không thì các quỹ này cũng là một bộ phận tài chính quốc gia. Khá nhiều quỹ vẫn phải phân bổ tiền ngân sách hàng năm. Tiền dân phải minh bạch. Cần nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên hơn và đánh giá hiệu quả có thể loại bỏ hay sắp xếp lại cho hợp lý.
TRỊNH DŨNG