Tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh do dịch bệnh nhưng việc phòng chống rất khó khăn, do các điều kiện nuôi kém và chưa có thuốc chữa trị hữu hiệu.
Nan giải bệnh đốm trắng
Ở vụ 2 nuôi tôm nước lợ năm nay, gia đình ông Đoàn Ngọc Khánh (thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành, Duy Xuyên) đầu tư 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông có diện tích 12.000m2. Ông Khánh cho biết, do không khống chế được bệnh đốm trắng nên tôm chết hàng loạt, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
“Những năm trước, nuôi tôm nước lợ rất thành công nhưng gần đây tôm chết hàng loạt. Thay vì lấy nước từ sông như mọi khi, tôi đóng giếng hút nước ngầm nhưng vẫn không đảm bảo do môi trường nước bị ô nhiễm” - ông Khánh nói.
Theo UBND xã Duy Thành, nguồn nước sông Trường Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến các khu vực ven sông cũng bị ô nhiễm nguồn nước ngầm. Trong khi đó, do nuôi tôm nhiều vụ liên tục nhưng nông hộ không cải tạo ao nuôi tốt, nhất là không phơi đáy nên các chất độc, các chất bẩn nhiều, là điều kiện tốt để các vi khuẩn gây hại, vi rút tấn công tôm nuôi gây nên nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đốm trắng.
“Bệnh đốm trắng không xa lạ gì với người nuôi tôm nhưng rất khó phòng chống. Do nông dân chưa đầu tư hiệu quả hệ thống hút cặn bã trong ao nuôi tôm nên bệnh này dễ phát tán, gây dịch bệnh làm tôm nuôi chết hàng loạt. Bệnh này dù xuất hiện đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu” - ông Lê Trung Thưởng, Phó ban Nông nghiệp của UBND xã Duy Thành cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, với bệnh đốm trắng, tôm thẻ chân trắng thường hay dạt vào bờ, giảm ăn. Khi quan sát kỹ, thân tôm xuất hiện những đốm trắng tròn ở đầu ngực hoặc toàn thân. Thân tôm chuyển sang màu hồng tím sau đó chết hàng loạt, thông thường chết 100% chỉ trong 3 đến 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh.
“Nếu không may tôm nuôi bị đốm trắng thì cần cách ly ngay để hạn chế lây lan trên diện rộng. Nếu tôm đủ kích cỡ thì thu hoạch sớm, bán thương phẩm. Nếu tôm còn nhỏ thì nông hộ cần dùng Chlorine 50-100ppm tiêu diệt mầm bệnh trước khi thải bỏ. Nông dân cần báo ngay đến cán bộ thủy sản để xử lý kịp thời, tránh tình trạng bệnh lây lan thành dịch, thiệt hại sẽ rất lớn cho những khu vực liên đới” - ông Trường nói.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, các điều kiện nuôi tôm tại các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh quá sơ sài, không có kênh cấp, kênh thoát nước, không có ao lắng xử lý sạch nguồn nước đã vô hình trung tạo môi trường tốt để vi rút đốm trắng dễ phát tán trên tôm nuôi. Trong khi đó, tôm giống hầu hết là tôm chợ, nếu nông hộ có mua tôm giống thương hiệu thì cũng hiếm khi được kiểm dịch đúng quy trình, loại bỏ con giống có mầm bệnh đốm trắng nên bệnh này dễ phát sinh. Đặc biệt, đến thời điểm này, dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng bệnh đốm trắng vẫn chưa có thuốc chữa trên phạm vi cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng, hễ tôm mắc phải là chết hàng loạt tại ao nuôi, chết đồng loạt ở các khu vực liền kề, gây nên dịch tràn lan.
Phức tạp bệnh EHP
Do nuôi tôm nước lợ bằng hình thức lót bạt trên cát diễn ra quanh năm nên Sở NN&PTNT khuyến cáo các hộ nuôi tôm chủ động theo dõi sát sao các diễn biến của thời tiết bởi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, cực đoan, nhất là lạnh ngột đột, qua đó, chủ động chăm sóc tôm nuôi, hạn chế bệnh, dịch bệnh. Cùng với đó, thường xuyên bổ sung khoáng chất, vitamin, men vi sinh, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng cũng như túc trực thường xuyên quanh ao nuôi tôm, xử lý nhanh các tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi.
Theo thống kê của UBND xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), trong số hơn 50ha ao nuôi tôm bị chết do dịch bệnh thì rất đáng lo ngại với bệnh vi bào tử trùng (EHP). Bệnh này không có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu thả nuôi, tôm thẻ chân trắng chậm lớn so với bình thường. Do giai đoạn đầu, bệnh EHP không gây chết tôm hàng loạt nên người nuôi không chú ý nhiều. Nhưng hễ bị bệnh thì nông hộ không thể cứu vãn được vì chưa có thuốc điều trị.
“Kiểm soát tốt bệnh EHP trong nuôi tôm nước lợ là việc cấp thiết, góp phần tạo nên thắng lợi cho người nuôi tôm nhưng quá khó vì đến nay, các ngành chức năng đã áp dụng nhiều phương pháp chữa trị nhưng chưa có kết quả nào được chứng minh” - anh Mai Huy Chương, cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Thăng nói.
Ông Trần Công Thành - hộ nuôi tôm kỳ cựu với hơn 50ha ao nuôi đầu tư ở xã Tam Hòa (Núi Thành) cho biết, vi bào tử trùng tồn tại được dù đã xử lý ao nuôi bằng Chlorine 100 ppm. Về kiểm soát dịch bệnh, theo ông Thành, cần quản lý tốt nguồn giống, tôm giống trước khi thả nuôi bắt buộc phải kiểm dịch, loại bỏ vi bào tử trùng.
“Tôm giống bố mẹ được nuôi để tạo đàn giống ở các cơ sở cung cấp tôm giống trên phạm vi cả nước phần lớn là được dùng lại sau khi nhập khẩu từ các nước khác về, không đảm bảo chắc chắn không chứa mầm bệnh EHP. Muốn có con giống tốt, cần nhất là tôm giống bố mẹ F1 thuần chủng nhưng đây là vấn đề nan giải ở nước ta” - ông Thành nói. Bởi vậy, cách tốt nhất để diệt mầm bệnh EHP là dùng thuốc tím liều cao xử lý sạch nguồn nước nuôi tôm.
Theo Sở NN&PTNT, cách tốt nhất để hạn chế bệnh EHP lây lan thành dịch là khi phát hiện tôm chết thì phải thu gom, chôn lấp, tiêu hủy, khử trùng đúng quy định. “Bệnh EHP rất dễ phát sinh trong điều kiện môi trường nước nuôi tôm có nhiệt độ thấp. Bởi vậy, ở vùng triều ven sông, nông hộ cần tuân thủ lịch mùa vụ được ban hành là chỉ nên nuôi 2 vụ, không nên nuôi trong mùa đông có nhiệt độ thấp. Tỉnh đang thu hút đầu tư sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ở Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) nên sau khuyến cáo là kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp trong chủ động kiểm soát bệnh EHP từ con giống bố mẹ nhập khẩu” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.