Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao khiến nhiều chủ thầu và người dân lo lắng. Dù vậy, theo dự báo, mức giá trên vẫn tiếp tục còn biến động, chí ít đến hết mùa hè.
Giá thép tăng "phi mã"
Nhà ông Nguyễn Văn Hùng ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn khởi công xây dựng được 3 tháng. Theo thiết kế, ngôi nhà có kiến trúc 3 tầng, tổng dự toán ban đầu khoảng 1,65 tỷ đồng, trong đó dự toán cho vật liệu sắt thép 160 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí sắt thép đã tăng hơn 190 triệu đồng.
“Cũng may tôi đã chuẩn bị một số vật liệu chứ bữa nay mua thì tốn thêm nhiều tiền nữa vì cái gì cũng tăng giá, từ sắt thép, xi măng, cát, gạch…” - ông Hùng chia sẻ.
Khảo sát một số công trình, nhà cửa đang xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết vật liệu đều đội giá. Cao nhất là sắt thép, ước tính tăng từ 40 - 50%, một số vật liệu khác như gạch xây, gạch ốp tường, lót nền, xi măng... cũng đã nhích hơn so với năm 2020. Vật liệu tăng không chỉ khiến người xây nhà gặp khó mà các công trình xây dựng đầu tư công cũng trở ngại.
Theo ông Dương Tấn Bình - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn, ảnh hưởng lớn nhất chính là tiến độ một số công trình trên địa bàn bị chậm lại, đặc biệt các công trình trọng điểm.
“Sắt thép tăng giá đầu tiên ảnh hưởng đến việc huy động vật liệu, thứ hai nhà thầu cũng chần chừ, kéo dài thời gian thi công. Chúng tôi cũng đã động viên nhà thầu cố gắng tiếp tục triển khai cho kịp tiến độ” - ông Bình thông tin.
Hiện tại, nhiều dự án quy mô lớn trên địa bàn thị xã như đường ĐH7, kè hồ sen, Công viên Mẹ Thứ, sân vận động… đang triển khai, theo kế hoạch phải hoàn thành xong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Công ty TNHH TM&XD Phúc Anh Nhân, đơn vị thi công công trình Công viên Mẹ Thứ (Điện Thắng Trung và xã Điện Thắng Bắc) cho hay, việc sắt thép tăng giá khiến đơn vị thi công lỗ khoảng 800 triệu đồng.
“Khi phê duyệt dự án chúng tôi lấy giá thép quý II.2020 lúc đó là 11.700 đồng/ký, nhưng bước qua quý I.2021 giá thép đã tăng đột biến, bây giờ thép nhập về là 19.000 đồng/ký. Còn theo tính toán hiện nay giá thép đã tăng khoảng 57%, nhưng do công trình gấp nên nhà thầu vẫn tiếp tục thi công” - ông Việt nói.
Tổng mức đầu tư công trình Công viên Mẹ Thứ khoảng 30 tỷ đồng, riêng gói thầu bên nhà thầu xây dựng khoảng 22 tỷ đồng, dự kiến tháng 8.2021 sẽ hoàn thành bàn giao.
Giá tăng không phải do thiếu hàng (!)
.Ngày 13.5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có Công văn số 2777 gửi các sở: Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông - vận tải, NN&PTNT yêu cầu thực hiện các giải pháp trong tình hình biến động giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép.
Cụ thể, giao các sở, đơn vị và các địa phương liên quan thường xuyên theo dõi và bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp, mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hành vi đầu cơ, thổi giá. Riêng đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan chức năng cần đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng, nhất là thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nước ngoài đầu tư công… Qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là với các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.
Tìm hiểu tại một số doanh nghiệp cung cấp thép cho thấy, mức giá thép nhập vào ngày 14.5 ở mức 18.700 đồng/kg, cao hơn 3.500 đồng/kg so với nửa tháng trước và tăng khoảng 6.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Đối chiếu với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá thép hiện tăng khoảng 50%.
Có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc tăng giá lần này như thời điểm bước vào mùa xây dựng; chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia… cao, do đó giá vật liệu xây dựng chưa thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, sắt thép, vật liệu xây dựng tăng không phải do cung cầu, bởi vật liệu trên thị trường không thiếu. Dù vậy, để tìm nguyên nhân chính xác thì cấp tỉnh khó thể giải thích được vì nằm ở tầm vĩ mô. “Việc giá tăng đột xuất không phải do thiếu hàng. Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành trung ương kiểm tra rồi, còn đối với tỉnh, trước mắt sẽ thực hiện nhiệm vụ theo Công văn 2777” - ông Đặng Bá Dự nói.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại tháng 4.2021 tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng tăng 7,7%.
Trong nhóm sản phẩm kim loại, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%. Nguyên nhân tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng. Tính đến ngày 6.4, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/ tấn so với thời điểm đầu tháng 3.2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.
Nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), theo đó nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu...