Khó kiểm soát hoạt động ngoại hối

TÙY PHONG 19/02/2014 11:45

Chưa có đơn vị kinh doanh ngoại hối nào bị phạt nặng vì vi phạm trong vòng nhiều năm qua và việc kiểm soát hoạt động ngoại hối chủ yếu dừng lại ở việc kiểm tra thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo bằng ngoại tệ…

Thị trường ổn định

“Trung tâm” giao dịch ngoại hối của Ngân hàng NN&PTNN - chi nhánh Quảng Nam có vẻ ít nhộn nhịp hơn so với các quầy giao dịch khác của chính hệ thống ngân hàng này. Thi thoảng có một vài người đến trao đổi vài thông tin, một ít khách hàng đến đổi vài trăm euro hay USD. Thủ tục nhanh, gọn. Cơ sở này chỉ là một trong số khá nhiều đơn vị hoạt động ngoại hối tại Quảng Nam. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, năm 2013, chi nhánh đã cấp giấy chứng nhận cho 2 đơn vị, nâng con số đại lý đổi ngoại tệ cho 5 tổ chức tín dụng và 13 doanh nghiệp lên 14 tổ chức kinh tế được cấp giấy chứng nhận.

 Giao dịch tiền tệ và ngoại hối tại các ngân hàng.    (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: T.PHONG
Giao dịch tiền tệ và ngoại hối tại các ngân hàng. (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: T.PHONG

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, công tác quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng đã đạt được những kết quả tích cực. Ngân hàng thường xuyên theo dõi và kiểm tra hoạt động đối với 2 doanh nghiệp làm đại lý chi trả ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép. Nghiệp vụ xác nhận và quản lý vay, trả nợ nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp trên địa bàn đã có tiến triển tốt. Chi nhánh đã xác nhận đăng ký thay đổi 4 khoản vay và xác nhận đăng ký vay trả nợ nước ngoài trung, dài hạn cho 4 doanh nghiệp với 11 khoản vay. Hiện có 18 doanh nghiệp có hoạt động vay trả nợ nước ngoài trung, dài hạn. Trong đó, chi nhánh thực hiện xác nhận đối với 13 doanh nghiệp, còn lại 5 doanh nghiệp khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận với 29 khoản vay có tổng kim ngạch vay đăng ký khoảng 249 triệu USD. Hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện việc rút vốn và trả nợ theo đúng kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận. Kết quả kiểm tra tại 6/14 đại lý thu đổi ngoại tệ và 74 tổ chức, cá nhân có hoạt động lĩnh vực ngoại hối cho thấy, ngoài việc thu giấy phép chứng nhận đổi ngoại tệ một đại lý, có đến 43/74 đơn vị có vi phạm. Cụ thể là việc niêm yết giá hàng hóa, các dịch vụ spa, vận tải và phòng ngủ bằng ngoại tệ. Một số trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, nhưng vẫn nhận ngoại tệ của khách để đổi hoặc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc công khai treo các bảng thu đổi ngoại tệ tại nơi kinh doanh… Với những vi phạm “nhỏ bé” này, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam đã có những hình thức xử lý phù hợp, nhẹ nhàng, đồng thời tuyên truyền nhắc nhở các đơn vị nghiêm túc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối.

Bà Lưu Thị Thảo - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam nói việc điều hành linh hoạt thị trường này vừa qua đã khuyến khích người dân nắm giữ Việt Nam đồng, giảm nắm giữ ngoại tệ và khuyến khích các tổ chức tín dụng bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Nhìn chung thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống cải thiện, tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lùi một bước. Đồng thời huy động của thị trường tự do bị thu hẹp, gần như không hoạt động, tình trạng đô la hóa giảm và lòng tin vào đồng Việt Nam đã bắt đầu được nâng cao.

Hạn chế sử dụng ngoại hối

Mặc dù theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam là thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, tuy nhiên nếu nhìn vào con số đại lý thu đổi ngoại tệ, khoản vay nước ngoài… thì dường như các cơ quan chức năng vẫn khó kiểm soát hoạt động này. Thanh tra liên ngành cũng đã thừa nhận các đợt kiểm tra chỉ dừng ở kiểm tra thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo bằng ngoại tệ và thu đổi ngoại tệ trái phép. Hiện các cơ quan chức năng không đủ nhân lực, thời gian để kiểm soát hết các đơn vị. trong khi hoạt động mua, bán ngoại tệ vẫn không ngừng các giao dịch ngầm, kín đáo, tinh vi hơn thì việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng ngày càng không đơn giản. Những vi phạm sau nhiều cuộc kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở xử lý nhẹ, chưa thể có việc xử lý mạnh cho bất cứ đối tượng nào. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối và kinh doanh vàng vẫn trông chờ vào ý thức của đơn vị kinh doanh và người dân.

Theo quy định, mức phạt nặng cho các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là cần thiết. Nhưng Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam cho hay là với mức phạt tăng đến gấp 5 hay 10 lần so với trước đây, ngay cả việc niêm yết giá hàng hóa bằng USD giá trị rất nhỏ cũng sẽ bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng thì thiếu hợp lý, rất khó cho các cơ quan chức năng khi thực thi áp dụng. Có phải chính vì quy định ít hợp lý so với thực tế dẫn đến các cơ quan thực thi pháp luật ngoại hối lúng túng hay thiếu việc tuyên truyền sâu rộng các văn bản về ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, đã khiến thị trường này vẫn khó kiểm soát? Theo bà Lưu Thị Thảo, Thông tư 32/2013/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.2.2014, quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam ghi rất rõ rằng mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ một số trường hợp “đặc biệt”. Bà Thảo cho biết, dựa vào các quy định này, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam sẽ kiên quyết xử lý và gia tăng kiểm tra hoạt động ngoại hối. Ngoài ra sẽ vận dụng hợp lý các quy định về xử phạt, mở rộng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các chính sách, quy định cho tất cả người kinh doanh và người dân hiểu rõ hơn về hoạt động ngoại hối; khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và khuyến khích người dân nắm giữ Việt Nam đồng.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát hoạt động ngoại hối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO