Khó kiểm soát rác thải nông thôn

TRẦN HỮU 28/02/2014 09:26

Dù đã đưa nội dung xử lý chất thải rắn (CTR) vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới, song tình trạng rác thải vứt vô tội vạ ra môi trường vẫn chưa được chấn chỉnh kịp thời.

Hầu như xã nào trong tỉnh khi phát động xây dựng nông thôn mới đều phải xây dựng phương án thu gom, xử lý CTR. Hàng loạt tổ chức phục vụ cho việc thu gom rác ra đời, nhiều nơi chuyển biến rõ rệt nhưng thực tế tồn tại khá phổ biến các “thung lũng rác” trong lòng khu dân cư. Ở nơi có mật độ dân cư đông đúc như địa bàn xã Tam Quang (Núi Thành), nhiều năm nay rác thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất cảnh quan mà còn “góp phần” hủy diệt nguồn nước ở sông, biển. Chợ búa, cảng, các cơ sở chế biến đông lạnh thủy sản, các điểm kinh doanh buôn bán… đã xả ra lượng rác khổng lồ ở khu vực đất chật người đông này. Chợ Tam Quang với hệ thống xử lý nước thải cũ kỹ, xuống cấp đã làm nước thải ứ đọng, bốc mùi. Nước sông Trường Giang đoạn chợ cảng Tam Quang kéo dài hàng trăm mét nhuốm màu đen và đặc quánh lớp váng xăng dầu. Đây là hệ lụy của việc các tàu thuyền xả dầu nhớt, nước thải bẩn xuống sông. Cách khu vực cảng Kỳ Hà vài chục mét, tại bến neo đậu tàu thuyền của thôn An Hải Đông (xã Tam Quang), một bãi rác sát mép sông đã tồn tại nhiều năm nay, mỗi khi người dân ra vào không khỏi bịt mũi nín thở. Chủ tịch UBND xã Tam Quang – ông Nguyễn Tin cho biết, phần lớn các điểm chợ búa, nơi công cộng, khu dân cư đều trang bị hệ thống thùng đựng rác, yêu cầu người dân tập kết đúng nơi quy định. Tuy nhiên, bộ phận người dân còn kém ý thức giữ vệ sinh chung, tùy tiện vứt rác ra môi trường. “Khu vực sát mép sông, gần chợ cảng vẫn là “điểm nóng” về rác thải, ô nhiễm môi trường” – ông Tin nói.

Trên địa bàn xã Tam Xuân 2 (Núi Thành), công tác thu gom rác thải chỉ ưu tiên trên tuyến quốc lộ 1 nằm dọc các thôn Phú Nam Bắc, Phú Nam Đông,  Phú Khê Đông, Bà Bầu, Bích Ngô Tây, Thạch Kiều, chợ Bà Bầu và các cơ quan, trạm y tế xã. Trong khi đó, các địa bàn còn lại, phần lớn rác thải được người dân thu gom, xử lý tại chỗ, một số hộ còn vứt bừa bãi ra môi trường. Thêm nữa, do thiếu thùng đựng rác nên CTR thường đựng trong các túi nilon, sọt... rất dễ phát tán các chất gây ô nhiễm. Ông Nguyễn Tấn Đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 thừa nhận, rác trên địa bàn vẫn chưa giải quyết triệt để do thu gom, xử lý CTR chỉ mới triển khai tại một số thôn, chứ chưa phổ biến và đồng bộ.

Theo UBND huyện Núi Thành, hiện nay công tác thu gom, xử lý CTR chỉ mới thực hiện ở những khu vực đông dân cư, nơi công cộng, còn ở địa bàn thưa dân cư, ven sông, vùng miền núi thì gần như “thả nổi”. Phần lớn các bãi rác tự phát chỉ xử lý thô sơ, theo phương pháp lộ thiên chưa đúng quy trình. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khu chợ Tam Hiệp, chợ Tam Quang đều có nhiều rác thải vô cơ, không tự tiêu hủy được. Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đáng nói, do thiếu kinh phí hoạt động, lực lượng mỏng nên nhiều tổ tự hợp tác, tổ tự quản ở các địa phương đã thu hẹp địa bàn thu gom rác thải. Theo UBND tỉnh, đến năm 2015, phấn đấu nhân rộng mô hình quản lý CTR tại 50 xã điểm nông thôn mới trong tỉnh. Thế nhưng, thời điểm này mới triển khai điểm có 5 xã, thị trấn, gồm thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp (Đại Lộc), các xã Tam Hiệp (Núi Thành), Tiên Phong (Tiên Phước) và Phú Thọ (Quế Sơn).

UBND tỉnh vừa ký quyết định ban hành Sổ tay hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây được xem như cẩm nang để hướng dẫn các địa phương phân loại, tập kết rác đúng quy trình, thực hiện có hiệu quả đề án Quản lý CTR các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát rác thải nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO