Khó kiểm soát sinh vật ngoại lai

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/08/2013 08:09

Sinh vật ngoại lai phát triển gây tác động xấu đến môi trường, xâm hại hệ sinh thái, trong khi vẫn chưa có giải pháp căn cơ để tiêu diệt tận gốc các loài sinh vật này.

Người dân chặt cây mai dương gây thoái hóa đất.Ảnh: Q.VIỆT
Người dân chặt cây mai dương gây thoái hóa đất.Ảnh: Q.VIỆT

Điểm danh sinh vật ngoại lai

Dọc theo sông Thu Bồn, từ thượng nguồn ra đến cửa biển Cửa Đại (TP.Hội An) hay vùng ven An Hòa (Núi Thành) hiện tràn ngập cây mai dương (còn gọi mắt mèo, trinh nữ). Đây là loài thực vật sinh sôi với mật độ dày, có thể phá hủy hệ sinh thái cây bụi và được xem là sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất. Chỉ cần qua một mùa mưa, loài cây này đã “khống chế” thêm 5 lần diện tích đã có. Bà Lê Thị Thúy (thôn 3, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) cho biết: “Đã nhiều lần chúng tôi chặt phá nhưng loại cây này vẫn xâm nhập đất vườn. Những diện tích đất bị cây này lấn hầu như cằn cỗi bạc màu, khó có thể trồng loại cây gì khác”. Trong khi đó, ốc bươu vàng vẫn còn là “dịch” đối với sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết từ vụ đông xuân đến nay, ốc bươu vàng đã phá hại nhiều diện tích lúa non ở một số huyện như Thăng Bình, Hiệp Đức, Điện Bàn…

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg, phê duyệt đề án Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Đề án này tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai. Theo đó, cần kiểm soát và lập danh mục, hồ sơ theo dõi các loài ngoại lai nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với đó là nâng cao chuyên môn của các cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ thực vật, Khu bảo tồn về công tác ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại.

Bèo Nhật Bản cũng nằm trong “danh sách đen” sinh vật ngoại lai đang hoành hành hiện nay. Hiện tại, nhiều sông ngòi, luồng lạch, kênh mương thủy lợi, hồ điều hòa cũng bị loại bèo này hạn chế dòng chảy. “Không thể phủ nhận hoàn toàn những tác động tích cực của sinh vật ngoại lai, chúng có thể làm phong phú hơn các dạng sinh vật hiện có trên địa bàn tỉnh, nhưng sự phát triển dày đặc của sinh vật ngoại lai gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế, đặc biệt đối với nông, lâm, ngư nghiệp…” - ông Nguyễn Định nói.

Giải pháp

Năm 2010, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam (Sở NN&PTNT) đã đề xuất nhiều cách thức hạn chế tác hại của loài sinh vật ngoại lai nhưng trên thực tế vẫn không hiệu quả. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp thiết thực hạn chế tác hại của các sinh vật ngoại lai hiện có trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn An - chuyên viên Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Nam cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị các bước nhằm đánh giá và sau đó là lựa chọn các giải pháp kiểm soát diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Sau đó sẽ xây dựng mô hình thử nghiệm kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại và phổ biến tài liệu hướng dẫn kiểm soát, diệt trừ”.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc của người dân trong việc hạn chế sự xâm hại của sinh vật ngoại lai. “Nông dân là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do sự phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại trong quá trình sản xuất. Trừ ốc bươu vàng gây hại trực tiếp, các loài khác cũng gián tiếp gây hại. Các ngành chức năng nên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện vào cuộc mới có thể hạn chế sự phát triển của loài sinh vật này” - ông Nguyễn Định cho biết thêm.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát sinh vật ngoại lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO