Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố thị trường ngoại hối đã ổn định, nhưng “sóng gió” trên thị trường này vẫn chưa dứt, khó có thể kiểm soát hết.
Ổn định thị trường
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Nam cho biết, đang quản lý hồ sơ 5 doanh nghiệp tư nhân làm đại lý chi trả ngoại tệ ở Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn và Đại Lộc. Doanh số chi trả ngoại tệ của các đại lý này ổn định, khoảng từ 200.000 - 250.000USD/năm. Thị trường cũng đang có 16 đại lý đổi ngoại tệ của 5 ngân hàng tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Chiếm nhiều nhất là Ngân hàng Ngoại thương Quảng Nam với 11 đại lý. Hầu hết đại lý đổi ngoại tệ được đặt chủ yếu tại các khách sạn có tiêu chuẩn 3 sao trở lên tại Hội An, Tam Kỳ và Điện Dương (Điện Bàn). Một thống kê khác cho thấy Quảng Nam có khoảng 19 doanh nghiệp với 47 khoản vay, trả nợ nước ngoài có tổng kim ngạch vay là 243 triệu USD. Trừ 3 doanh nghiệp vi phạm mức độ nhỏ, bị phạt 30 triệu đồng, trong vòng 5 năm qua, hầu hết doanh nghiệp đã rút vốn và trả nợ theo đúng kế hoạch đã được NHNN chi nhánh Quảng Nam xác nhận.
Tiền đồng đã lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng. Ảnh: T.D |
Theo chi nhánh NHNN Quảng Nam, 18 đợt kiểm tra tại 237 tổ chức kinh tế, hộ cá thể tại các khách sạn, cửa hàng may mặc, lưu niệm, điện tử… cho thấy số đông đều vi phạm pháp luật ngoại hối với 158 đơn vị (66,7%). Sự vi phạm này xuất hiện nhiều nhất ở việc niêm yết giá hàng hóa, các dịch vụ spa, vận tải và phòng ngủ bằng ngoại tệ. Một số trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, nhưng vẫn nhận ngoại tệ của khách để đổi, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc công khai treo các bảng thu đổi ngoại tệ tại nơi kinh doanh… Với những vi phạm “nhỏ” này, chi nhánh NHNN Quảng Nam chỉ sử dụng những hình thức xử lý phù hợp, nhẹ nhàng, nhắc nhở, tuyên truyền chính sách, buộc chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật ngoại hối. Chỉ khoảng 9 đơn vị bị xử lý hành chính với tổng số tiền 62 triệu đồng.
Hiện tại, các cơ sở kinh doanh có khách nước ngoài đã chấp hành khá tốt các quy định về thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ…, chỉ còn một số ít cơ sở, cá nhân, chủ yếu ở Hội An vẫn tiếp tục trao đổi mua bán, dịch vụ bằng ngoại tệ. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc chi nhánh NHNN Quảng Nam cho hay thị trường ngoại hối đã cơ bản ổn định. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của người dân và doanh nghiệp đã được hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm đáng kể. Tình trạng đô la hóa đã được đẩy lùi. Thị trường ngoại tệ tự do đã bị thu hẹp, gần như không còn hoạt động. Lòng tin vào tiền đồng Việt Nam đã bắt đầu cải thiện rõ nét hơn.
Kiểm soát và tuyên truyền
Thị trường ngoại hối được công bố là ổn định, nhưng nhìn vào con số đại lý thu đổi ngoại tệ, các khoản vay nước ngoài… thì dường như cơ quan quản lý vẫn không dễ dàng kiểm soát nổi hoạt động này. Theo ông Hổ, thị trường tự do không diễn ra công khai các giao dịch nhưng mua bán ngoại tệ vẫn âm thầm xảy ra, rất khó để phát hiện xử lý. Cơ quan quản lý thừa nhận các đợt kiểm tra chỉ dừng ở thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo bằng ngoại tệ và thu đổi ngoại tệ trái phép. Lý do là không đủ nhân lực, thời gian để kiểm soát hết các đơn vị. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối vẫn trông chờ vào ý thức của đơn vị kinh doanh và người dân.
Theo quy định, mức phạt nặng cho các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là cần thiết. Nhưng với mức phạt gia tăng gấp nhiều lần, từ 200 đến 250 triệu đồng ngay cả việc chỉ niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa bằng USD có giá trị rất nhỏ thì thiếu hợp lý, rất khó cho các cơ quan chức năng khi thực thi áp dụng. Vì thế, những vi phạm sau nhiều cuộc kiểm tra cũng chỉ dừng ở mức nhắc nhở nhẹ, chưa thể có việc xử lý mạnh cho bất cứ đối tượng nào. Có phải chính vì quy định ít hợp lý so với thực tế dẫn đến các cơ quan thực thi pháp luật ngoại hối lúng túng hay không mạnh tay xử lý theo đúng quy định; thiếu việc tuyên truyền sâu rộng các văn bản về ngoại hối của chi nhánh NHNN Quảng Nam và các địa phương, cơ quan liên quan… đã khiến thị trường này không dễ kiểm soát một cách chặt chẽ? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu, cơ quan quản lý cần mở rộng việc tuyên truyền chính sách ngoại hối. Không chỉ trên các thông tin đại chúng mà phải trực tiếp đến người kinh doanh, người dân để chính sách đến gần hơn, cụ thể hơn. Vận dụng hợp lý các quy định về xử phạt. Nếu sau vài lần nhắc nhở vẫn tái phạm thì kiên quyết xử lý để lập lại sự ổn định, chấm dứt và xóa bỏ thị trường ngoại hối tự do!
TRỊNH DŨNG