Một trong những bất cập của nghề cá Quảng Nam là trong khi doanh nghiệp chế biến hải sản thiếu nguyên liệu thì ngư dân gặp khó đầu ra. Bài toán nâng cao giá trị hải sản không dễ giải quyết.
Chất lượng hải sản kém
Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Luật Thủy sản đã quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi ra khơi phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP). Toàn tỉnh hiện có 676 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam mới chỉ có 605 chiếc được cấp Giấy chứng nhận ATTP.
Nhiều tàu cá không có thiết bị làm lạnh, bảo quản hải sản bằng cách ướp đá cây theo kiểu truyền thống. Phần lớn chủ tàu, thuyền trưởng thiếu quan tâm khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa hải sản, các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển. Nhiều ngư dân cho rằng, do chuyến biển dài ngày nên không tham gia các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức ATTP.
Định hướng phát triển nghề cá bền vững, hiện đại của tỉnh còn khó thực hiện khi đa số tàu cá của ngư dân có hầm bảo quản hải sản sơ sài, cá, mực bị trầy xước, không đủ lạnh, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo ATTP. Đến nay vẫn chưa thể thống kê có bao nhiêu tàu cá trang bị hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu cách nhiệt dưới dạng bọt xốp Polyurethane (PU).
Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá
Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21 năm 2018. Theo đó, quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có Giấy chứng nhận ATTP, nếu không tàu cá sẽ không được vươn khơi khai thác. Không chỉ vậy, với Nghị định 115, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang sản xuất trên biển mà không có Giấy chứng nhận ATTP sẽ bị xử phạt 30 - 40 triệu đồng.
Ưu điểm của loại hầm mới này là giữ lạnh tốt, đá mang theo được sử dụng đến 95%, cao hơn 35% so với hầm truyền thống, đảm bảo hải sản tươi, đạt chất lượng. Hầm PU hiện đại, ưu việt nhưng giá đầu tư cao, rất ít chủ tàu tiếp cận.
“Tàu cá của tôi có 8 hầm bảo quản hải sản, nếu trang bị mỗi hầm bằng vật liệu PU tốn hơn 20 triệu đồng. Do hiệu quả khai thác thấp, không tích lũy được nhiều vốn liếng nên dù rất muốn nhưng tôi chưa đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng PU” - ngư dân Nguyễn Công Tài (xã Tam Hải, Núi Thành) nói.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, các tàu xa bờ có dung tích lớn, chi phí đầu tư hầm PU quá tốn kém, ngư dân không kham nổi.
Khó nâng cao giá trị
Quảng Nam hiện chỉ có vài ba doanh nghiệp chế biến hải sản nhỏ nhưng phải mua nguyên liệu hải sản từ các tỉnh bạn về chế biến. Các chủ doanh nghiệp cho biết, không thể mua nguyên liệu tại chỗ vì chủ tàu thiếu Giấy chứng nhận ATTP, hải sản không đảm bảo chất lượng.
Muốn khắc phục, ngư dân phải chuyên nghiệp hóa nghề cá, có đầy đủ các giấy tờ cần thiết, trang bị hầm bảo quản hiện đại. Cũng do hải sản kém chất lượng nên đầu ra hay bí bách, các chủ tàu bị đầu nậu, tư thương ép bán giá thấp.
“Các chủ nậu bảo lượng hải sản bị xây xước không ít nên chỉ mua với giá dành cho loại 2. Tôi không thể để lâu hải sản nên đành bán với giảm thấp” - ngư dân Bùi Thế Cả (xã Tam Quang, Núi Thành) nói.
Khi hải sản kém chất lượng, cách nào để nâng cao giá trị? Hình thành chuỗi hải sản liên kết là khuyến cáo của ngành chức năng nhưng việc triển khai gặp ách tắc. Các chủ tàu vẫn chưa thay đổi được cách tổ chức sản xuất cũ, ứng trước tiền của đầu nậu để lo đầu vào rồi bán lại cho họ khi cập bờ. Ngư dân không thể kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp chế biến do không đáp ứng về số lượng và yêu cầu của doanh nghiệp.
“Tôi chỉ cần số lượng lớn cá dũa, cá cờ, cá bánh lái, cá thu để chế biến xuất khẩu nhưng ngư dân không thực hiện được” - ông Đoàn Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát (Tam Quang, Núi Thành) nói.
Quảng Nam khuyến khích ngư dân tập hợp nhau lại thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị hải sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ, ổn định đầu ra nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình nào. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, một khi ngư dân vẫn chưa thay đổi tư duy sản xuất thì chưa thể nâng cao giá trị hải sản sau khai thác.