Trong khi các cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn buôn bán hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng vẫn vô tư tiếp tay kẻ xấu thực hiện hành vi này khiến cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái càng thêm gian nan...
Hàng hiệu… giá rẻ
Dạo quanh các chợ truyền thống từ các thành phố, thị trấn có sức mua lớn như TP.Tam Kỳ, Vĩnh Điện (Điện Bàn), Nam Phước (Duy Xuyên)... đến các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa... đều nhận thấy một thực tế, ở đâu cũng có hàng giả, hàng nhái thương hiệu lớn với giá rẻ mạt. Tại các ki ốt quần áo, mỹ phẩm chợ Tam Kỳ, không khó để tìm thấy một chiếc kính mắt hiệu Chanel, RayBan bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng, nước hoa Chanel giá 50.000 đồng/lọ... Trong khi thực tế giá của những sản phẩm này luôn được nhà sản xuất bán ra với giá cao gấp trăm lần. “Những sản phẩm hàng hiệu giá quá cao, rất ít người có đủ điều kiện kinh tế để sở hữu. Vì vậy, đa số người tiêu dùng biết đó là hàng nhái nhưng vẫn mua sử dụng. Có cầu thì phải có cung, mình buôn bán kiếm ít đồng lời sinh sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (ki ốt số 55, chợ tạm TP.Tam Kỳ) nói.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra chất lượng hàng hóa mùa trung thu.ẢNH: THỤC ANH |
Không chỉ thương hiệu nổi tiếng thế giới bị làm giả mà ngay cả trường hợp hàng Việt Nam cũng bị kẻ xấu lợi dụng. Nhất là sau thời gian người Việt Nam đã nhận thức rõ tác hại khôn lường của việc mua hàng giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc nên chuyển sang mua hàng Việt Nam dù giá cao hơn. Chị Hoàng Thị Muội, buôn bán tại chợ Trung tâm Thương mại TP.Tam Kỳ cho biết: “Lợi dụng vấn đề này, nhiều người buôn bán hàng chuyến làm nhãn “made in Viet Nam” gắn vào sản phẩm xuất xứ Trung Quốc để đánh lừa người tiêu dùng. Nếu người buôn bán nhỏ như chúng tôi không để ý hoặc cũng cố lờ đi dù biết thì hàng Việt Nam cũng bị nhái”.
Hiện nay, trên thị trường tỉnh chưa phát hiện trường hợp cụ thể về các mặt hàng làm giả như sơn, phân bón... Tuy nhiên, theo một số người kinh doanh các mặt hàng này đang truyền tai nhau một số nơi có bán hàng giả. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, hiện lực lượng này phối hợp với công an để điều tra, xử lý một số vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh.
Cùng phối hợp
Trước thực tế hàng giả, hàng nhái tràn lan, nhất là ở mặt hàng quần áo và hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, giá cả và tính thời trang là hai yếu tố tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái có đất sống và tồn tại nhiều năm qua. Người tiêu dùng thay vì bỏ ra hàng ngàn USD chỉ để mua một chiếc túi Louis Vuitton, D&G... thì chỉ cần vài trăm nghìn là có thể mua được chiếc túi giả với kiểu dáng tương tự. Thế nên, Ban Chỉ đạo chống buôn bán hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại từ trung ương đến địa phương dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa thể nào đẩy lùi thực trạng này.
Trong khi đó, tại hội nghị chống buôn bán hàng giả, hàng nhái do Cục QLTT tổ chức, ông Nguyễn Đăng Trưởng - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, các đối tượng xấu vẫn thường lợi dụng triệt để những tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh... về cơ chế chính sách, địa hình để tuồn hàng qua biên giới, vào sâu nội địa tiêu thụ. Với Quảng Nam, địa bàn rộng nhưng do đặc điểm kinh tế nên chủ yếu vẫn chỉ là địa bàn tiêu thụ hàng hóa nhỏ lẻ. “Điều này cũng là trở ngại cho lực lượng QLTT vì không thể ngày nào cũng đi đến từng điểm buôn bán để kiểm tra. Dù sao người dân cũng phải kinh doanh, làm ăn kiếm sống. Những vụ việc phát hiện lớn thường là kiểm tra, bắt quả tang khi vận chuyển qua địa bàn” - ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, cho biết.
Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp dù biết sản phẩm của mình bị làm giả nhưng vì nhiều lý do đã không phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra vụ việc. Như trường hợp thông tin xuất hiện sơn giả trên địa bàn tỉnh, theo ông Lê Cần, lực lượng QLTT muốn xử lý vấn đề này cần phải có sự phối hợp của nhà sản xuất, doanh nghiệp để lấy mẫu kiểm định chất lượng. Hiện nay, vẫn có một số doanh nghiệp, nhà sản xuất chủ động thực hiện tem chống hàng giả khi đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng tem chống giả công nghệ cao chỉ có ý nghĩa giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng nhận biết hàng thật, hàng giả chứ không thể ngăn chặn triệt để việc làm nhái, làm giả. Doanh nghiệp cũng phải kiểm soát chặt những con tem này để tránh tình trạng tem thật mà hàng giả. Như tại gas Saigon Petro, tỷ lệ hư hao của tem chỉ 0,5% và đối với tem hư, các trạm chiết phải giữ lại trả về công ty để hủy.
CHIÊU THỤC ANH