Khó ngăn chặn nạn tảo hôn?

MỘC MIÊN 27/11/2014 08:30

Nạn tảo hôn ở Phước Sơn, mà chủ yếu là xã Phước Mỹ (trong năm 2014 đã có 11 trường hợp) như Báo Quảng Nam phản ánh đã đặt ra nhiều điểm nhìn khác nhau trong việc ngăn chặn tình trạng này.

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho biết, mấy năm trước không có nhiều, tình trạng tảo hôn tập trung nhiều nhất ở thôn 1, là do học sinh đi học nhiều. Thôn 1 và thôn 3 (Phước Mỹ) là những địa phương hiếu học nhất xã, học sinh đi học nội trú cấp 3 ở thị trấn Khâm Đức khá đông, vì ở chung nam nữ nên mới có chuyện yêu nhau sớm rồi bỏ học. Hiện tại Phước Mỹ còn hơn 10 em đang học nội trú. Kết hôn sớm là chuyện bình thường xưa nay ở vùng cao, cho nên theo ông Thanh, xã chỉ có tuyên truyền cho bà con hiểu.

Ông Hồ  Văn Bê - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho hay, luật tục ở làng ngày càng lỏng lẻo. Trước đây nếu thành vợ chồng mà đẻ sớm trước một năm thì bị đuổi ra rừng, bỏ nhau thì bị làng phạt vạ. Nay, quy ước trên coi như phôi pha rồi. Trả lời câu hỏi kết hôn như vậy là vi phạm luật hôn nhân gia đình, vậy có trường hợp nào bị chế tài, xử lý chưa, ông Thanh cho biết không có và không thể xử lý, bởi… không ai đi bỏ tù con nít. Ngay tại thị trấn Khâm Đức, năm 2014 cũng có một trường hợp. Ông Trần Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Phước Công ngậm ngùi: “Tôi có đứa cháu gọi chú ruột, bố nó mất sớm, mẹ đông con nên tôi nuôi từ nhỏ, nó xuống huyện học nội trú cấp 3 rồi yêu, bỏ học, về  làm vợ. Nói gì nó cũng không nghe, đau lòng lắm. Anh có cách nào cứu nó giúp gia đình không?”. Người viết đã liên lạc với cô bé trên thì nhận được câu trả lời là hãy để em yên, chuyện riêng tư của em, em tự giải quyết. Hỏi các thầy cô ở trường cấp 3 Khâm Đức thì nói em bỏ học rồi, giáo viên cũng chịu thua thôi.

Có mấy ý kiến được đem ra mổ xẻ. Thứ nhất: chuyện yêu đương, hơi đâu lo bò trắng răng; ý thứ hai: nhận thức đồng bào còn kém, cha mẹ thấy con vậy không la rầy, mình làm chi được; thứ ba: đó là tập tục và cuối cùng: hãy dùng luật ngăn chặn. Luật Hôn nhân và gia đình đã có từ lâu, nhưng nói thẳng, việc thực thi nghiêm túc tại miền núi là chuyện xa vời. Nhà nước không áp dụng luật bởi vì không áp dụng hay không dám, không muốn áp dụng? Tại sao không địa phương nào mạnh dạn áp dụng thử coi, làm điểm cho cả làng, cả xã xem? Làm thay đổi nhận thức của bà con, không phải chuyện dễ. Năm nào cũng bầu già làng, trưởng bản tiêu biểu, vậy vai trò của  già làng đâu, trưởng bản đâu? Chính họ có vai trò quan trọng trực tiếp thông qua cha mẹ, ngăn cản dần việc này, mà muốn vậy thì chính bản thân họ phải thay đổi cái nhìn, không thể mang yếu tố… truyền thống không tốt trên đi suốt, truyền từ già này qua già kia. Không thể lâu lâu cán bộ dân số xuống tuyên truyền là về, coi như xong.

Nhìn những cô bé mới 15, 16 tuổi mà tay bế tay bồng, đời coi như bỏ, mà hệ lụy thì miễn bàn, những người có tấm lòng, nhìn chỉ biết thương và lo thôi. Mới đây, VTV có phát phóng sự về nạn hôn nhân cận huyết ở Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) với những đứa trẻ sinh ra dị dạng. Chuyện xảy ra kéo dài dai dẳng từ thập kỷ này qua thế kỷ kia. Một giáo sư của Trường Đại học Y Hà Nội đã thốt lên có cách nào ngăn chặn không? Nhớ tiếng kêu than của ông, rồi ngẫm chuyện ở Phước Mỹ, phải chăng chính quyền đã thất bại trong việc ngăn chặn?

MỘC MIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó ngăn chặn nạn tảo hôn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO