Sản phẩm của ngư dân khai thác được luôn bị đầu nậu ép giá là chuyện ai cũng nhìn thấy, nhưng để có hướng ổn định đầu ra cho hải sản vẫn còn là câu chuyện nan giải.
Cảng cá nào cũng ép giá
Ngày 17.8, chúng tôi có mặt ở cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) để tìm hiểu quá trình mua bán hải sản. Khi tàu cá QNa-93853 của ngư dân Nguyễn Phán (phường Thanh Hà, TP.Hội An) vừa cập bờ, bà Nguyễn Thị Ái - một đầu nậu lớn tại khu vực này đã mau chóng có mặt trên tàu. Việc đầu tiên của bà Ái là mở khoang cá để đánh giá chất lượng sản phẩm. Sau hồi nhìn ngắm, bà Ái nói: “Cá nục này không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đâu, ủ trong khoang ít nhất 10 ngày rồi. Nếu không bị trầy xước thì còn châm chước được, đằng này thân cá đã có vết đỏ. Chắc giá 12 nghìn đồng/kg, bán không?”. Bà Ái vừa nói xong, ông Phán cầm những con cá nục phân trần: “Cá nục chuối này cỡ lớn lại tươi rói, mắt trong veo. Ép giá quá, chúng tôi lỗ chuyến này còn chi”. Nghe vậy, bà Ái quả quyết: “Tôi có quyết được giá mua đâu, đại lý đặt hàng, giá cá là vậy. Tôi đã đắn đo lắm rồi. Cá này phải bảo quản tốt hơn, ngắn ngày hơn mới nâng giá được”. Việc kỳ kèo diễn ra đến 20 phút mới đi đến hồi kết. Đầu nậu cho đội bốc vác khiêng cá lên bờ. Tại đây, các xe hàng đông lạnh đợi sẵn. Cá được nhanh chóng chuyển đi. Khi nghe chúng tôi hỏi với giá cá vừa bán, chuyến biển này lời lỗ ra sao, ông Phán buồn thiu nói: “Chỉ tính riêng giá thành cho mỗi ký cá nục khai thác được đã xấp xỉ 11 nghìn đồng rồi. Bù qua sớt lại chỉ huề vốn. Chừ mình không bán ở đây thì cũng chỉ thu được chừng đó tiền nếu đi bán ở chỗ khác”.
Là ngư dân ở TP.Hội An, ngay gần nhà ông Nguyễn Phán có cảng cá Thanh Hà, chỉ vì bán hải sản ở cảng này có giá quá thấp nên ông chuyển sang bán cá tại Hồng Triều với hy vọng sẽ được giá cao hơn. Tuy nhiên việc chuyển đổi địa điểm bán cá cũng chẳng cải thiện được tình hình. “Từ xưa tới chừ, hễ đi biển về ngư dân chúng tôi liên lạc với nhau để biết nên bán cá chỗ nào có giá nhất. Nhẩm lại, đâu cũng như đó, đi bán ở nơi xa được giá hơn chút đỉnh thì lại tốn kém nhiều chi phí vận chuyển. Đó là chưa nói đầu nậu mua cá theo giá đã quy định của thương lái. Tàu cá vào thì phải bán chứ để lâu đâu có được, còn phải sớm chia tiền cho bạn biển về với vợ con” - ông Phán chia sẻ. Ông Phán tính, nếu đánh bắt gần bờ trong vòng một tuần lễ cũng phải bỏ ra chi phí gần 50 triệu đồng. Nếu trúng, sau khi trừ chi phí còn lời chút đỉnh, chứ không là hòa vốn, có khi thua lỗ.
Ngư dân Nguyễn Phán bán cá cho đầu nậu ngay sau khi thuyền cập bờ. Ảnh: Q.VIỆT |
Tình trạng hải sản bị ép giá bán đã thành quen thuộc với ngư dân trên địa bàn tỉnh. Ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết, dù có bán hải sản tại cảng cá Tam Quang, hay ra cảng Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) hoặc vào cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thì cũng ít khi có sự khác biệt về giá cả. Khác nhau có chăng tùy thuộc vào thời điểm diễn ra mua bán. Mỗi tháng, đại lý đều giao khối lượng hải sản cần cung cấp cho đầu nậu. Nếu như từ đầu tháng, đầu nậu đã thu mua được nhiều thì chắc chắn lúc cuối tháng ngư dân sẽ bị ép giá đến rẻ mạt. Ngược lại, nếu như chỉ tiêu đại lý giao chưa đảm bảo thì đến cuối tháng, đầu nậu mới nới giá cao chút đỉnh cho ngư dân để tổng lực thu mua hải sản tại các cảng cá.
Nan giải hướng đi
Hiện tại là cao điểm của vụ sản xuất chính, đá cây khan hiếm nên ngư dân không thể chủ động trong việc lựa chọn nguồn đá ướp hải sản. Đá ướp có độ đông cứng thấp nên sau hành trình bám biển dài ngày, hải sản đánh bắt được rất dễ giảm chất lượng. Điều đáng nói là vin vào cớ này, đầu nậu đã ép giá bán hải sản của ngư dân thấp hơn giá trị thật của nó. Thời điểm này, tại 2 địa phương láng giềng là TP.Đà Nẵng và Quảng Ngãi, ngư dân đã sử dụng tàu vỏ thép và vỏ composite để sản xuất trên biển, trong khi hầu hết tàu của ngư dân Quảng Nam vẫn là vỏ gỗ. Dĩ nhiên, thiết bị cộng với công nghệ bảo quản hải sản tốt hơn nên hiệu quả chuyến biển của ngư dân các tỉnh, thành láng giềng cũng cao hơn. Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cho hay, ngay cả tàu vỏ gỗ ở các tỉnh, thành khác cũng đã áp dụng công nghệ hầm bảo quản hải sản sử dụng bọt xốp PU (polyurethane) để cách nhiệt nên sản phẩm khai thác được bảo quản tốt hơn, đầu ra của các loại hải sản vì thế cũng ổn định hơn. Các ngư dân đề xuất tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ áp dụng công nghệ này để giá trị kinh tế của mỗi chuyến biển cao hơn.
Hiện tại, dịch vụ hậu cần nghề cá của Quảng Nam không đáng kể. Các chợ mua bán hải sản đã hình thành nhưng xuất phát từ nhu cầu thứ yếu của người dân chứ không phải giao thương nền nếp. Ở các chợ này, bán đấu giá chưa được thành hình. Các chợ chưa hề được đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm. Tại mỗi bến cá, cảng cá, ngư dân bắt buộc phải bán hải sản ngay cho các đầu nậu. Tại đó, hải sản không được niêm yết giá công khai như một số hàng hóa khác lại chưa có kiểm tra về mặt tiêu chuẩn chất lượng. Quan trọng nhất là việc giám sát, quản lý giá hải sản hoàn toàn bỏ ngỏ. Do chi phí ngày càng tăng cao, vay vốn ngày càng khó, ngư dân bị khép chặt vào việc “ứng trước tiền từ các đầu nậu để ra khơi”. Tất nhiên, khi buộc phải bán sản phẩm cho họ, giá hải sản bị ép là điều không thể tránh khỏi. Rõ ràng, điều cần kíp là Quảng Nam cần huy động các nguồn vốn để hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Khi đầu ra hải sản ổn thỏa hơn, đời sống của ngư dân ổn định hơn thì nghề cá mới phát triển bền vững.
NGUYỄN QUANG VIỆT