Khó phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Cù Lao Chàm

QUỐC HẢI 02/07/2014 09:14

Đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân Cù Lao Chàm thêm công ăn việc làm, ổn định đời sống trên cơ sở quản lý tài nguyên thiên nhiên hợp lý và phát triển du lịch bền vững. Thế nhưng, việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch tại chỗ chưa mang lại hiệu quả.

Hàng lưu niệm tại Cù Lao Chàm đều được mua từ đất liền.Ảnh: QUỐC HẢI
Hàng lưu niệm tại Cù Lao Chàm đều được mua từ đất liền.Ảnh: QUỐC HẢI

Trong 2 năm (2006 - 2007), chương trình hỗ trợ phụ nữ địa phương sản xuất nước mắm nguyên chất đã được triển khai tại Cù Lao Chàm nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng thủy sản, tạo việc làm cho ngư dân địa phương. Có 19 phụ nữ được Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa đi học kỹ thuật chế biến nước mắm tại Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng trong 1 tháng và được tham quan học tập kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất nước mắm ở Nha Trang, Phan Thiết. Tham gia chương trình này, chị em phụ nữ cũng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giới thiệu sản phẩm. Thời gian đầu, việc sản xuất nước mắm nguyên chất được tiến hành khá thuận lợi, sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ tại địa phương và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, sau 2 năm, hoạt động sản xuất bắt đầu gặp khó khăn và sau đó phải tạm dừng. Bà Trần Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, nguyên nhân chính là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất nước mắm nguyên chất ngày càng khan hiếm. Nguồn cá cơm có giá bán ngày càng tăng và phụ thuộc vào mùa vụ, trong đó mùa đông hầu như không có. Năm 2006, giá cá cơm mua vào thấp nhất là 2.000 đồng/kg nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 15.500 đồng/kg. Trong khi giá nguyên liệu tăng gần 7 lần nhưng giá bán nước mắm nguyên chất chỉ tăng 2 lần nên việc sản xuất gặp khó khăn.

Tương tự như vậy, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho người dân xã đảo Tân Hiệp đã được triển khai nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Nhiều năm trước, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với UBND xã Tân Hiệp đưa một số hộ có khả năng làm hàng thủ công mỹ nghệ từ ốc đi tham quan tại Nha Trang, Vũng Tàu. Sau đó, thành phố hỗ trợ vốn để các hộ về sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả không cao, trước hết là do thiếu điện sản xuất, giá thành sản phẩm làm ra tại chỗ lại cao hơn so với sản phẩm làm sẵn ở các nơi mua về. Tiếp sau đó, nhiều hộ cũng đã được đào tạo và hỗ trợ để sản xuất các mặt hàng từ cói nhưng giá bán sản phẩm không cao. Thậm chí, nhiều hộ đã được đào tạo nghề và đi tham quan học tập ở các tỉnh về, địa phương lại không thể vận động họ tham gia sản xuất.

Thực tế này cho thấy việc hỗ trợ phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ cho người dân xã đảo Tân Hiệp đang gặp “lúng túng” vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, xã đảo Tân Hiệp chưa có điện sản xuất, giá thành sản phẩm lại cao hơn thị trường. Hơn nữa, người dân tham gia các nghề tiểu thủ công nghiệp cũng chưa có nguồn thu nhập cao, khiến họ không quan tâm đầu tư. “Do chênh lệnh thu nhập của nghề khi chúng ta thực hiện so với dịch vụ đang phát triển tại Tân Hiệp nên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, mỹ nghệ khó phát triển. Dù đã đầu tư từ nhiều năm trước nhưng đến nay người lao động chưa quan tâm phát triển sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp phù hợp hơn” - ông Đỗ Đình Phô nói.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO