Khó quản dạy thêm, học thêm

Thực hiện chuyên đề: THÀNH CÔNG 24/12/2017 08:04

Đầu tháng 11, Sở GD-ĐT tiếp tục có công văn gửi các đơn vị quản lý giáo dục, các trường, trung tâm được cấp phép dạy thêm về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra đang được tiến hành, trong đó có nội dung kiểm tra tình trạng dạy thêm học thêm, cùng với các văn bản chỉ đạo cấp phòng ở từng địa phương. Nhưng câu chuyện tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm lâu nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập…

Ngoài giờ học chính khóa, nhiều học sinh “ngập mặt” với lịch học thêm. Ảnh: XUÂN PHÚ
Ngoài giờ học chính khóa, nhiều học sinh “ngập mặt” với lịch học thêm. Ảnh: XUÂN PHÚ

QUAY MÒNG MÒNG VỚI HỌC THÊM

Công văn của Bộ GD-ĐT, hướng dẫn của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố, cùng hàng loạt nội dung liên quan đến dạy thêm, học thêm được phổ biến, quán triệt mỗi năm học. Thế nhưng, trên thực tế vẫn rất nhiều học sinh từ cấp tiểu học đã đến lớp học thêm, nhiều học sinh THPT “bơi” trong lịch học thêm kín từ thứ hai đến thứ bảy.

Kín lịch học thêm

Học thêm đã trở thành một nhu cầu của phần đông học sinh và phụ huynh, ngay cả khi các em mới vừa vào tiểu học. Thật vậy, khảo sát ở nhiều phụ huynh và học sinh từ cấp tiểu học đến THPT, khá nhiều câu trả lời xác nhận tình trạng học thêm đang lặng lẽ diễn ra, từ vùng nông thôn đến thành thị. Càng ở những khu vực phát triển như thị trấn, thị xã, thành phố, tình trạng học thêm dạy thêm càng phổ biến.

Em V.T.C., học sinh lớp 12 ở một trường THPT trên địa bàn TP.Tam Kỳ mô tả về lịch học thêm đến “ngạt thở” của mình: Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp đến, C. đăng ký học thêm 3 môn chính là Toán, Lý, Hóa, nhưng học tới… 5 thầy. Vừa đăng ký lớp ôn luyện nâng cao ở trung tâm dạy thêm T. trên địa bàn thành phố, C. vừa học nhóm do hai thầy cô khác dạy kèm. Lớp ở trung tâm có xấp xỉ 30 em, tùy theo môn. Riêng lớp dạy thêm theo nhóm do hai thầy cô giáo khác dạy kèm thì chỉ có 10 em/nhóm. Học phí cho mỗi môn học từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng tùy từng lớp. Điều đáng nói, là lịch học thêm của C. phủ kín từ thứ hai đến tối thứ bảy. Bắt đầu từ 3 giờ chiều đến khoảng 9 giờ đêm, C. “chạy sô” liên tục giữa các lớp học thêm. “Nhiều bữa em không kịp ăn tối phải ăn bánh mì hoặc cùng bạn bè ăn tạm để đến lớp. Năm cuối cấp, dù không muốn cũng phải cố gắng theo các lớp ôn luyện để có thể đảm bảo kiến thức cho kỳ thi cuối cùng” - C. cho hay.

D.K., học sinh lớp 12 của một trường ở huyện Núi Thành cũng trong tình trạng tương tự khi đăng ký đến 4 môn học thêm là Anh Văn, Toán, Văn và Lịch sử. Tổng chi phí một tháng cho 4 môn mà K. đăng ký là 950 nghìn đồng. Quê ở một xã bãi ngang, thu nhập bấp bênh từ nghề biển, cộng thêm chi phí ăn ở trọ để học ở thành phố, ba mẹ K. cũng phải cố dành dụm gửi tiền cho con đi học. Lịch học thêm “ngập mặt” nhưng K. cho biết đã quen từ khi bắt đầu lên học THPT. Năm cuối, chương trình có nặng hơn vì áp lực thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhưng rất nhiều học sinh như K. phải chấp nhận. “Em thì gồng được nhưng bạn bè em nhiều đứa nản và đuối, than thở đòi nghỉ hoài. Đứa nào cũng học 4 - 5 môn, lịch kín mít, tụi em không đủ thời gian để làm bài tập và học bài trên lớp nữa chứ đừng nói là thời giờ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí” - K. nói.

Lớp học thêm do trường tổ chức tại một trường thuộc huyện Tiên Phước Ảnh: THANH THẮNG
Lớp học thêm do trường tổ chức tại một trường thuộc huyện Tiên Phước Ảnh: THANH THẮNG

Không chỉ học sinh THPT, ngay cả học sinh tiểu học cũng không thoát khỏi chuyện học thêm. Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về việc dạy thêm, học thêm có quy định không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Thế nhưng, vì áp lực của phụ huynh, nhiều em cũng đành phải gửi một phần lớn thời gian còn lại cho các lớp học thêm. Dĩ nhiên, các lớp này không được cấp phép hoạt động.

Không thể “quản” hết

Tâm thư của học sinh

Ngày 16.12, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn “tâm thư” được cho là của học sinh trường THPT Núi Thành, về việc thầy cô ép buộc học sinh học thêm. Nội dung bày tỏ sự bức xúc trước việc học sinh gặp nhiều khó khăn vì “trên lớp thầy cô không dạy đủ kiến thức và không thể học kịp các bạn đi học thêm”. Ngoài ra, học sinh còn “bị hù dọa đủ kiểu để đăng ký, như thầy dạy môn Sinh bắt chúng em ai đi học thêm giơ tay ngay trong giờ học chính”, “trên lớp vài thầy cô chỉ dạy qua loa cho xong, thậm chí kể chuyện phiếm cho mau hết giờ”, “đi học thêm thì thầy cô sẽ giải hoặc gợi ý những bài sẽ cho ra đề kiểm tra và ưu ái khi kiểm tra bài, chấm bài. Không đi học thêm thì thầy cô sẽ khắt khe, thậm chí tìm mọi cách chèn ép, vì thế không đi học thêm sẽ không bao giờ được học sinh giỏi”... Ngoài ra, trong nội dung bức “tâm thư” cũng trình bày mong muốn thầy cô tạo môi trường học tập công bằng, ít áp lực, không phải dùng nhiều cách ép buộc học sinh đi học thêm rồi đối xử bất công...

Thầy Lê Nguyên Bảng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh và các công văn chỉ đạo của sở, nhà trường luôn quán triệt chặt chẽ cho các thầy cô giáo về việc chấp hành nghiêm quy định dạy thêm, học thêm. “Đây là quy định bắt buộc, không chỉ phải thực hiện theo tinh thần của sở chỉ đạo mà còn góp phần giữ hình ảnh cho trường chuyên, do đó trường Nguyễn Bỉnh Khiêm làm rất kỹ chuyện này” - thầy Bảng cho biết. Các giáo viên không được tự ý mở lớp dạy thêm, học thêm tại nhà. Đầu năm học 2017 - 2018, trường đã cho các thầy cô đăng ký dạy thêm tại các trung tâm, theo đó đã lập danh sách và được sở đồng ý cấp phép cho 11 thầy cô. Riêng học sinh ở trường chuyên, do việc nâng cao kiến thức, nhất là các môn chuyên đã được thực hiện tại trường nên phần nào giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, thầy Bảng vẫn thừa nhận không thể bảo đảm 100% các giáo viên đều chấp hành đúng quy định về dạy thêm, học thêm. “Trường cũng chỉ quán triệt trên tinh thần các chỉ đạo của sở, làm việc về mặt tư tưởng cho các thầy cô. Ngoài ra, chúng tôi cũng lấy ý kiến của các em học sinh, hiện chưa có bất kỳ vi phạm nào về dạy thêm học thêm trong trường bị phát hiện xử lý. Tuy nhiên, vẫn rất khó có thể khẳng định không có tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định đối với thầy cô và học sinh ở bên ngoài nhà trường” - thầy Bảng nói.

Anh H., cán bộ phụ trách công tác kiểm tra, quản lý dạy thêm học thêm ở một phòng giáo dục tâm sự, trong nhiều đợt kiểm tra, phòng cũng đã phát hiện dấu hiệu dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Nhiều trường hợp giáo viên dạy thêm không đúng quy định được phát hiện, sẽ yêu cầu chấn chỉnh. Tuy nhiên, những trường hợp này chủ yếu thông qua việc khảo sát học sinh, trên thực tế vẫn có một số giáo viên mở lớp dạy thêm quy mô khoảng 10 học sinh tại nhà, nhưng phòng rất khó kiểm tra xử lý do không thể đến kiểm tra trực tiếp mà phải phối hợp với chính quyền địa phương. Giáo viên có thể mượn địa điểm để dạy hoặc có trường hợp phụ huynh chủ động chuẩn bị bàn ghế, phòng ốc cho giáo viên dạy và… dặn con không được tiết lộ chuyện dạy thêm học thêm!

BĂN KHOĂN QUY ĐỊNH

Những quy định về dạy thêm, học thêm vẫn không thể “siết” triệt để tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan trên thực tế. Ngược lại, câu chuyện xử lý phần nào đã chạm đến lòng tự trọng của nhiều nhà giáo, khi lỗi rõ ràng không hoàn toàn thuộc về họ.

Một lớp dạy thêm cấp THCS tại nhà ở địa bàn TP.Tam Kỳ. Ảnh: THÀNH CÔNG
Một lớp dạy thêm cấp THCS tại nhà ở địa bàn TP.Tam Kỳ. Ảnh: THÀNH CÔNG

Có cầu ắt có cung

Câu chuyện dạy thêm, học thêm như một “điệp khúc” của giáo dục suốt nhiều năm. Cấm vẫn cấm, nhưng thực tế, những lớp học thêm tại nhà vẫn mở cửa đón học sinh. Cảnh “chạy sô” theo lịch học tái diễn và đặc biệt phổ biến ở các địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên, phải kể đến nhu cầu từ chính phụ huynh và học sinh. Một giáo viên tiểu học chia sẻ, dạy học gần hai mươi năm, chấp hành rất đúng quy định không được dạy thêm học thêm khi các em đã học 2 buổi tại trường, nhưng đầu năm học nào phụ huynh cũng “kêu ca” đề nghị cô mở lớp ôn luyện cho một số em chậm tiếp thu. Cá biệt, có phụ huynh muốn con học… càng nhiều càng tốt, với đủ lớp từ năng khiếu đến học nâng cao kiến thức. “Vì tự trọng, chúng tôi buộc phải từ chối. Nhưng phụ huynh vẫn tiếp tục kêu ca, thậm chí có người còn phàn nàn cô giáo ngại khó ngại khổ, ngại tiền học phí không cao khiến chúng tôi khá khổ sở” - giáo viên này cho biết.

Bà Nguyễn Thị Anh Hậu - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành chia sẻ, ở cấp tiểu học vì cơ bản đã đủ giáo viên để đáp ứng dạy 2 buổi/ngày theo chương trình, nên phòng quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm theo quy định. Phòng thường xuyên kiểm tra theo lịch hoặc kiểm tra đột xuất, trong đó có kết hợp nội dung kiểm tra về dạy thêm, học thêm. Năm học 2016 - 2017, đơn vị cũng phát hiện một trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm và yêu cầu chấn chỉnh trong toàn bộ giáo viên, ban giám hiệu của nhà trường. Tuy nhiên, trong trường hợp này, giáo viên vì cả nể những người quen, người thân nên nhận dạy kèm cho một số ít em học sinh. Khoản thù lao dạy thêm học thêm cũng khá ít ỏi do thu nhập của người dân ở vùng nông thôn không cao. Dù buộc phải xử lý theo quy định, nhưng cũng đã chạm đến lòng tự trọng của giáo viên. Vì chỉ cần phát hiện vi phạm, có thể bị xử lý từ hình thức nhắc nhở, cảnh cáo đến kiểm điểm, cắt thi đua. Dư luận cũng sẽ có cái nhìn không tốt về hình ảnh giáo viên trong trường hợp này.

Nên có cơ chế “quản”

Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Tam Kỳ chia sẻ, phòng không cấm dạy thêm học thêm mà cần đúng quy định và thực hiện các giải pháp hạn chế tiêu cực nảy sinh. Hiện nay, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về việc dạy thêm học thêm, đồng thời hầu hết các trường đều triển khai cho giáo viên ký cam kết thực hiện đúng quy định. “Chúng tôi không cấm, chỉ chấn chỉnh những trường hợp dạy thêm, học thêm có xu hướng nảy sinh tiêu cực như bắt học quá sức, quá giờ giấc, liều lượng, đối xử thiên vị với học sinh có và không có học thêm… Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện cấp phép cho các giáo viên đăng ký dạy thêm tại các trung tâm. Đầu năm học này, có 9 giáo viên đăng ký dạy thêm. Chúng tôi cũng cấp phép cho 1 cá nhân tổ chức trung tâm dạy thêm. Việc ra đề tập trung, chấm tập trung tại một số trường cũng là một trong những biện pháp đẩy lùi tiêu cực từ dạy thêm, học thêm” - ông Sơn nói.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Hậu, do khả năng của học sinh không hoàn toàn đồng đều, phụ huynh kỳ vọng học thêm có thể giúp con họ khắc phục những hạn chế. Đối với các em giỏi, học thêm có thể kích thích khả năng, phát triển tư duy. Còn đối với một số phụ huynh là công nhân, lao động, các lớp học thêm vừa giúp họ gửi con trong giờ làm việc, vừa giúp con được học tập, rèn luyện toàn diện. Do đó, nếu phát huy được cái tâm của người dạy; phụ huynh giám sát được việc học thêm của con em mình thông qua việc phát hiện các biểu hiện tiêu cực của giáo viên như “đì” học sinh không đi học thêm, tiết lộ đề kiểm tra, cắt xén chương trình dạy… thì sẽ hạn chế được tiêu cực trong dạy thêm học thêm. “Đừng để nhà nhà đi học thêm, giáo viên biến việc dạy thêm thành công việc “kinh doanh” kiếm thu nhập mà nên có cách quản lý để dạy thêm học thêm quay về mục đích chính là phục vụ nhu cầu phụ đạo, mở rộng, nâng cao và trau dồi kiến thức. Lúc đó, vấn nạn này mới được giải quyết triệt để” - bà Hậu đề xuất.

KHÓ XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ

Sở GD-ĐT tập trung công tác chỉ đạo và tăng cường hoạt động thanh kiểm tra. Phòng giáo dục các địa phương cũng cho biết đã và đang phối hợp với chính quyền để rà soát, xử lý. Tuy nhiên, rất ít trường hợp bị phát hiện, xử lý.

Kể cả ở bậc học tiểu học, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm ở một số đơn vị.  (Ảnh minh họa) Ảnh: THÀNH CÔNG
Kể cả ở bậc học tiểu học, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm ở một số đơn vị. (Ảnh minh họa) Ảnh: THÀNH CÔNG

Lập đường dây nóng

Một trong các giải pháp đáng chú ý của Sở GD-ĐT trong việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường là việc phổ biến rộng rãi đường dây nóng tiếp nhận phản ánh (0235.3508979) và địa chỉ hộp thư điện tử (phananhgiaidap@gmail.com) để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhân dân được biết và phản ánh thông tin khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT có hộp thư điện tử riêng để các cá nhân, tổ chức phản ánh các thông tin về tình hình dạy thêm học thêm (quanlydthtqn@gmail.com), do thanh tra sở phụ trách tổng hợp và tham mưu xử lý. Từ hộp thư này, một số thông tin phản ánh về tình hình dạy thêm học thêm cũng như thắc mắc về công tác này được gửi về cho thanh tra sở. Ngoài ra, tại các địa phương, trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố được chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là các trường hợp có đơn thư phản ánh.

Ông Trương Công Nên - Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn chia sẻ, phòng đã có văn bản gửi UBND các xã, phường và hiệu trưởng các trường trực thuộc. Trong đó, tập trung vào công tác củng cố ban quản lý hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn thị xã theo thẩm quyền được UBND thị xã quy định (từ năm 2014). Các ban quản lý này sẽ quán triệt các quy định về dạy thêm học thêm, tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý hoặc đề nghị xử lý đối với các cơ sở dạy thêm học thêm trái quy định. Hiệu trưởng các trường cũng được chỉ đạo tập trung củng cố tổ kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm tại đơn vị, chịu trách nhiệm khi phát sinh những vi phạm của cán bộ, giáo viên thuộc nhà trường quản lý. “Năm 2015, chúng tôi từng xử phạt kiểm điểm 7 giáo viên của một trường THCS trên địa bàn vì dạy thêm trái quy định. Ngoài ra, cũng có một giáo viên tiểu học và hiệu trưởng trường nơi giáo viên này công tác bị nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh do vi phạm trong dạy thêm học thêm. Các xã, phường đều được tập huấn các quy định về quản lý dạy thêm học thêm, từ đó tăng cường công tác phối hợp thanh kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm” - ông Nên cho hay.

Quản lý chưa chặt chẽ

Hàng loạt văn bản chỉ đạo, giải pháp được đề ra nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, nhưng kết quả kiểm tra, xử lý còn khá khiêm tốn. Theo thống kê từ Phòng Thanh tra Sở GD-ĐT, năm học 2016 - 2017, sở đã tiến hành 1 cuộc thanh tra chuyên đề về công tác quản lý dạy thêm học thêm tại 4 trường THPT. Đồng thời đã lồng ghép thanh tra hoạt động dạy thêm trong 8 cuộc thanh tra ở 8 đơn vị khác. Kết quả thanh tra cho thấy, công tác quản lý dạy thêm, học thêm tại một số cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ. Một số cơ sở dạy học tăng tiết có thu tiền cũng là hình thức dạy thêm nhưng chưa đề nghị sở cấp giấy phép. Ngoài ra, còn một số hạn chế nảy sinh như việc phân loại trình độ học lực của học sinh ở một số lớp dạy thêm chưa đồng đều, chưa tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, hồ sơ quản lý dạy thêm học thêm trong nhà trường chưa đầy đủ, tổ chức thu - chi tiền dạy thêm trong nhà trường chưa chặt chẽ. Cũng trong các đợt thanh tra này, thanh tra sở phát hiện 23 giáo viên dạy thêm trái phép. Theo đại diện thanh tra sở, sau khi phát hiện các sai phạm, đã đình chỉ việc dạy thêm trái phép; yêu cầu các giáo viên dạy thêm trái phép phải cam kết không tái phạm và yêu cầu nhà trường tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, không xem xét các danh hiệu thi đua của các giáo viên này. Đối với những hạn chế, sai phạm khác, thanh tra sở đã đề nghị hiệu trưởng tăng cường kiểm tra dạy thêm trong và ngoài nhà trường, chỉ đạo tổ chức thu - chi tiền dạy thêm học thêm chặt chẽ và thiết lập hồ sơ quản lý dạy thêm đầy đủ theo đúng quy định.

Con số giáo viên vi phạm bị phát hiện, xử lý dạy thêm học thêm, theo báo cáo sơ bộ của sở và phản ánh của một số phòng giáo dục rõ ràng chưa phản ánh hết thực trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn tràn lan hiện nay. Những khó khăn được chỉ ra, như thông tin phản ánh qua hộp thư không rõ ràng, nội dung phản ánh chưa cụ thể, hầu hết là đơn nặc danh hoặc giấu danh tính. Ở một số địa phương, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý hoạt động dạy thêm, học thêm chưa đồng bộ và sâu sát, dẫn đến hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Trên thực tế, thông tư của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm thể hiện mong muốn hạn chế tiêu cực nhưng chưa thực sự là những giải pháp khả thi. Nhu cầu thực tế về học thêm vẫn rất lớn, công tác đổi mới giáo dục chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, và thu nhập của giáo viên còn khá thấp so với nhiều ngành nghề..., đang là những nguyên nhân khiến thực tế hoạt động dạy thêm học thêm tương phản với chủ trương hạn chế tiêu cực của ngành giáo dục. Dư luận đặt câu hỏi, đến bao giờ cơ quan quản lý mới xem dạy thêm, học thêm là một hoạt động bổ trợ cho giáo dục và có những quy định phù hợp, thiết thực để đưa hoạt động này vào đúng mục đích của nó? Câu trả lời có lẽ vẫn còn treo lơ lửng, trong khi ở thời điểm hiện tại, việc đơn giản nhất là nguyên nhân học sinh phải đi học thêm, và tại sao giáo viên phải đi dạy thêm chưa được xem xét và khắc phục, bằng quy định.

Thực hiện chuyên đề: THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó quản dạy thêm, học thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO