Mặc dù cơ quan chức năng đã rất nhiều lần dẹp bỏ nhưng các chợ tự phát vẫn hoạt động, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) và an toàn giao thông...
Cứ tầm 16 giờ hàng ngày, cạnh Công ty may Mỹ Hưng và Công ty may Ánh Sáng (xã Bình Trung, Thăng Bình), một số tiểu thương lại nhóm chợ để phục vụ nhu cầu mua sắm của các công nhân sau giờ tan ca. Dù là chợ chồm hổm nhưng ở đây bày bán đủ các mặt hàng như trái cây, thịt, cá, mực, tôm, bún, mì, cháo...
Được biết, buổi sáng các tiểu thương bán tại các chợ địa phương, buổi chiều bán tại đây với lượng hàng hóa còn tồn từ sáng. Gian hàng cá, thịt, mực... ruồi bay lờn vờn, màu sắc không còn tươi ngon.
Chị Lê Thị Nga - công nhân Công ty may Mỹ Hưng tranh thủ giờ tan ca ghé vào mua bó rau cải, với vài con cá về nấu bữa cơm tối. Chị tâm sự: “Tôi làm ở đây hơn 4 năm rồi, chiều tối mới nghỉ, đâu còn chợ nào bán, chỉ còn ở đây là bán cho công nhân đến tối. Họ bán rẻ, nên dù biết là khó đảm bảo ATTP nhưng vẫn phải mua”.
Đây là tâm lý của nhiều người khi lựa chọn mua thực phẩm tại các chợ chồm hổm, tự phát. Điều họ cần là một nơi mua bán nhanh chóng, thuận tiện, giá cả phù hợp, còn chất lượng thì họ lại không mấy quan tâm.
Dọc đường Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ), khu vực trước Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, có một nhóm chợ tự phát nhiều lần bị cơ quan chức năng dẹp bỏ vì mất an toàn giao thông và mất ATTP. Sau một thời gian ngắn, chợ này lại dời lên phía trên chừng 100m và vẫn tồn tại. Những chiếc bao bì còn dính mỡ thịt vương vãi bên đường không đảm bảo ATTP và môi trường.
Theo nhiều người dân ở đây, chợ đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu, từ thực phẩm tươi sống đến hàng ăn chín, lại tiện lợi trong mua, bán, nên rất khó dẹp bỏ hoàn toàn. Khi hỏi về nguồn gốc, chất lượng của các loại thực phẩm này, đa số người bán đều cho rằng sản phẩm được lấy ở quê nên hoàn toàn đảm bảo chất lượng.
“Chính quyền địa phương đã nhiều lần can thiệp nhưng đâu lại vào đó, các mô hình chợ tự phát như thế này không thuộc phạm vi quản lý của Phòng Kinh tế thành phố nên việc quản lý chất lượng vệ sinh ATTP vẫn còn nhiều bất cập” - đại diện Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ chia sẻ.
Rất khó quản lý, kiểm tra vệ sinh ATTP tại các chợ tự phát là điều được nhiều cấp ngành nhìn nhận. Nguồn gốc hàng hóa thực phẩm chưa được kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các chợ có quy mô nhỏ lẻ, không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn. Công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP còn hạn chế, chủ yếu là chấn chỉnh, nhắc nhở và cho thời hạn khắc phục nên tính răn đe chưa cao.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để nhận biết, mua và sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách… để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 154 chợ, gồm 2 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2, 138 chợ hạng 3. Nhằm kiểm soát tình hình vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống trên địa bàn, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm nghiệm nhanh về ATTP tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh.