Khó quản lý du lịch ở Cẩm Thanh

VĨNH LỘC 22/06/2016 09:14

Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng khách tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh đã gia tăng đột biến; cùng với đó cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tác động trực tiếp đến môi trường tự nhiên và xã hội nơi đây.

Vấn đề lo ngại nhất của du lịch Cẩm Thanh hiện nay là chưa quản lý được hoạt động đưa đón khách. Ảnh: VĨNH LỘC
Vấn đề lo ngại nhất của du lịch Cẩm Thanh hiện nay là chưa quản lý được hoạt động đưa đón khách. Ảnh: VĨNH LỘC

Vượt tầm kiểm soát

Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Thanh (Hội An), qua 6 tháng đầu năm đã có trên 40 nghìn lượt khách tham quan lưu trú tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, tăng khá cao nếu so với con số 28 nghìn lượt khách tham quan rừng dừa trong năm 2015. Du lịch phát triển đã mang đến nhiều cơ hội và sinh kế cho người dân, nhất là phụ nữ và người già. Trước đây phần lớn nhân dân 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (khu vực rừng dừa) làm nghề chài biển, cuộc sống bấp bênh, nhưng từ khi có du lịch, cuộc sống người dân đã thay đổi tích cực thông qua các nguồn thu từ du lịch. Thống kê cho thấy, đến nay đã có hơn 110 hộ dân của 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông tham gia hoạt động du lịch, chủ yếu chèo thuyền thúng chuyên chở khách tham quan rừng dừa, mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng 2 - 4 triệu đồng/người.

Tuy vậy, hoạt động du lịch cũng tạo ra nhiều bất cập vượt tầm kiểm soát, nhất là trong việc quản lý số lượng thuyền thúng dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng cò mồi, phá giá, mâu thuẫn cộng đồng,  phân bố nguồn lợi du lịch không đồng đều ngày càng gia tăng. Ông Nguyễn Cượng (tổ 3, thôn Vạn Lăng) cho biết, với giá đóng một thúng chai 3,5 - 4 triệu đồng như hiện nay thì ai cũng có thể sắm thúng ra để đón khách mà không cần phải đăng ký kiểm định gì cả. Chính sự dễ dãi này đã khiến số lượng thúng tăng vọt từ khoảng 30 chiếc (năm 2012) lên trên 200 chiếc (2016), phần lớn thuộc các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch địa phương. Điều này cũng đồng nghĩa những hộ thuyền thúng hoạt động riêng lẻ bị đẩy ra ngoài. “Khi nào doanh nghiệp dư khách ra mới kêu đến mình chứ còn không thì người nhà của họ chở hết. Do đó, muốn tồn tại mình phải bắt khách lẻ ngoài, nên dù quy định là 150 nghìn một chuyến 2 khách nhưng mình vẫn có thể đi với giá 100 - 120 nghìn” - ông Cượng tiết lộ.       

Theo ông Lê Thanh, cái khó hiện nay của Cẩm Thanh chính là thành lập ban quản lý du lịch xã vì không có quy định nào cho phép việc thành lập bộ máy này, nếu có chỉ mang tính kiêm nhiệm nên thành phố đang nghiên cứu mô hình quản lý phù hợp. “Việc ưu tiên trước mắt bây giờ là tăng cường công tác quản lý như chở đúng số người theo quy định và mặc áo phao. Còn về lâu dài thành phố nên tính tới phướng án xây dựng bến tập trung mới có thể quản lý được hoạt động đưa đón khách chứ hàng chục bến như bây giờ là không thể quản lý được” - ông Thanh đề xuất.

Theo ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, phát triển du lịch tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu đang đối diện một số vấn đề nổi cộm. Ngoài hạ tầng chưa đồng bộ; công tác quản lý còn lỏng lẻo, chủ yếu là UBND xã theo dõi chung chung; chưa thành lập được ban quản lý du lịch chuyên nghiệp… thì ý thức người dân cũng là điều lo ngại khi chỉ thấy cái lợi trước mắt. “Lượng khách về thì đông nhưng tính bài bản, chuyên nghiệp của người dân thì chưa có, vì hầu hết chỉ là nông dân chuyển qua làm du lịch theo tính tự phát nên ý thức chưa cao. Vì vậy, sắp tới sẽ phải rà soát kiểm tra lại; phải có nội quy, quy chế quản lý chung đối với Cẩm Thanh, nhất là khu vực Hói Lăng (rừng dừa) như thành lập ban quản lý, tăng cường công tác quản lý lữ hành đường thủy và đường bộ… Chứ với lượng khách quá tải như hiện nay thì thật tình đã vượt tầm kiểm soát, địa phương chưa thể theo kịp được” - ông Thanh chia sẻ.

Phát triển gắn với bảo tồn

Có thể nói, vấn đề của Cẩm Thanh hiện nay ngoài lượng khách gia tăng  còn là cơ chế quản lý lúng túng, mạnh ai nấy làm. Việc quy hoạch, sắp xếp lại bến bãi cũng như các hoạt động đưa đón khách, hầu như bị thả nổi. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, lượng khách vài mươi nghìn lượt như hiện nay chưa phải là cao so với tiềm năng du lịch nơi đây. Điều đáng quan tâm nhất chính là ở yếu tố quản lý hoạt động đưa đón khách tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng của chính quyền địa phương, nếu không có biện pháp ngay từ bây giờ thì hậu quả sẽ khôn lường. “Phải sắp xếp lại trật tự các thuyền thúng như chia phiên, xếp hàng…, phải siết chặt lại, tránh tình trạng tranh giành khách. Chúng tôi đã làm việc với xã và sẽ kiểm tra lại, nếu vi phạm sẽ khuyến cáo và có biện pháp, cần phải quyết liệt từ bây giờ để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra” - ông Hài nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, đáng lo nhất của Cẩm Thanh hiện nay là mâu thuẫn giữa vấn đề bảo tồn với phát triển. Nhất là sau khi cầu Cửa Đại hoàn thành, Cẩm Thanh trở thành cửa ngõ giao thương và tiếp nối phát triển giữa khu vực vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình nên địa phương trở thành khu vực hết sức năng động, việc đầu tư phát triển ở khu vực này trở nên khá ồ ạt dẫn đến những lo ngại về cảnh quan, môi trường. Thành phố sẽ phải có những giải pháp quyết liệt để Cẩm Thanh phát triển nhưng vẫn giữ được định hướng là vùng quê sinh thái giàu bản sắc truyền thống của mình. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung các giải pháp cụ thể. Thứ nhất, nhanh chóng thúc đẩy hoàn thiện các quy hoạch của Cẩm Thanh theo hướng làng quê sinh thái đặc thù. Thứ hai, ban hành các quy chế về quản lý mặt xây dựng kiến trúc cảnh quan, hiện thành phố giao Phòng Quản lý đô thị cùng các đơn vị liên quan xây dựng các quy chế, đảm bảo cho việc định hình định hướng phát triển trong xây dựng của người dân. Thứ ba, tổ chức triển khai ngay các phương án phát triển một số khu vực trọng điểm như du lịch Vạn Lăng, làng tre dừa nước và các khu vực còn lại sinh thái của Cẩm Thanh. Bên cạnh đó cũng xây dựng các phương án gắn kết giữa phát triển với bảo tồn, lấy bảo tồn làm trọng tâm nhưng không phải vì thế mà hạn chế việc phát triển giải quyết sinh kế người dân. “Thành phố vẫn tiếp tục nghiên cứu cho phép người dân phát triển du lịch trong rừng dừa, phát triển ở các hồ tôm nhưng trên cơ sở giữ vững cảnh quan, môi trường và kết cấu phù hợp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên chứ không có tình trạng là xây dựng bê tông hóa, phá dừa dẫn đến phát triển quá nóng như hiện nay. Đối với trường hợp cố tình vi phạm như vừa qua, chúng tôi sẽ đình chỉ và xử lý kiên quyết, xử phạt và yêu cầu tháo dỡ, đảm bảo để du lịch Cẩm Thanh không phát triển lệch ra ngoài định hướng chung của thành phố” - ông Sơn nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó quản lý du lịch ở Cẩm Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO