Khó quản lý giá homestay ở Hội An

QUỐC HẢI 08/12/2016 08:45

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi giá dịch vụ homestay (lưu trú trong nhà dân) ở Hội An hạ quá thấp để thu hút du khách, trong khi biện pháp quản lý của nhà nước tỏ ra bất cập.

“Hạ tới khi nào có khách mới thôi!”

Những năm qua, cùng với gia đình đầu tư hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, ông Phạm Phú Ngọc (ở đường Trần Hưng Đạo - Hội An) cho rằng, vài năm trước, mặt bằng giá cả cho thuê lưu trú tại Hội An nhìn chung tương đối ổn định. tuy nhiên hơn một năm trở lại đây, một số chủ homestay hạ giá quá thấp đã nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. “Hiện nay, Hội An đang khủng hoảng thừa vì số lượng homestay hoạt động rất nhiều, nhưng khi không có khách là hạ giá. Hôm nay 15USD không được thì ngày hôm sau 12USD, 12USD không được thì 10USD… Hạ tới khi nào có khách vô là thôi” - ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.

Dịch vụ homestay ở Hội An phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Ảnh: Q.HẢI
Dịch vụ homestay ở Hội An phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Ảnh: Q.HẢI

Toàn TP.Hội An có 193 cơ sở homestay đã đưa vào hoạt động, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các loại hình lưu trú, đến 49,49%. Thống kê của Phòng Thương mại - du lịch Hội An cho biết, 9 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu tại các homestay đạt trên 27,6 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng tăng qua các năm, trung bình đạt 42,68%; một số homestay hoạt động có hiệu quả với công suất sử dụng phòng đạt 50 - 60%. Doanh thu bình quân/ngày khách tại homestay trên 176 nghìn đồng, cao hơn doanh thu bình quân của khối khách sạn đạt tiêu chuẩn (hơn 146 nghìn đồng) và gần bằng doanh thu bình quân của khối khách sạn 1 sao (hơn 192 nghìn đồng). Cùng với đó, doanh thu bình quân/lượt khách của dịch vụ lưu trú trong nhà dân đạt hơn 388 nghìn đồng, cao hơn doanh thu bình quân của khối khách sạn đạt tiêu chuẩn và cả khối khách sạn 1 sao. Dù vậy, ở những mùa thấp điểm, lượng khách đến Hội An ít thì tình trạng hạ giá lại xảy ra. Dễ dàng nắm rõ thông tin rao giá của các dịch vụ homestay khi vào internet tra cứu, tham khảo. Có thời điểm, giá dịch vụ dành cho 2 khách chỉ có 7USD (gần 150 nghìn đồng) cộng thêm cả bữa ăn sáng.

Trực tiếp quản lý nhà nước về loại hình hoạt động này, bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An thừa nhận thực tế và cho rằng, đây là một trong những vướng mắc trong quá trình quản lý về giá dịch vụ. “Thực tế là giá phòng homestay rất thấp, đặc biệt trong mùa thấp điểm, giá chỉ còn 200 đến 220 nghìn đồng/phòng, thậm chí 10USD người ta cũng bắt, chưa kể phải trích lại 20% cho các hãng booking. Tuy nhiên, theo quy định là anh phải kê khai giá với Phòng Tài chính - kế hoạch và niêm yết giá công khai. Nói cạnh tranh, phá giá nhưng đến kiểm tra thì người ta có niêm yết giá rồi và nộp thuế theo kết toán của Chi cục Thuế quy định. Vì vậy, không có cơ sở nào để xử lý và đó là vướng mắc chúng tôi đang gặp phải” - bà Dung nói.

Không thể áp khung giá

Cũng giống như các loại hình lưu trú khác, theo quy định thì tất cả homestay khi đi vào hoạt động đều thực hiện các quy định chung của ngành và  quy định riêng của thành phố. Đó là phải ký cam kết với Phòng Thương mại – du lịch thực hiện đúng quy định tạm thời về quản lý các hoạt động kinh doanh lưu trú theo loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê trên địa bàn thành phố; cam kết hạn chế sử dụng túi nilon; khai báo khách lưu trú hàng đêm; cam kết không sử dụng lực lượng cò mồi bu bám chèo kéo khách; thực hiện chế độ báo cáo thống kê hàng tháng, quý, năm; nộp thuế và phải kê khai giá cho thuê phòng lưu trú với Phòng Tài chính - kế hoạch.

Trong khi đó, theo Điều 11 của Luật về giá được Quốc hội ban hành ngày 20.6.2012 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Thêm vào đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, Nhà nước chỉ quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu. “Nếu đăng ký một giá là khó cho hộ kinh doanh. Vì thế, Phòng Tài chính - kế hoạch, Chi cục Thuế và các ngành chức năng có thể quy định giá sàn để các cơ sở dịch vụ homestay đăng ký giá và có thể bán phòng với giá dao động trong các thời điểm khác nhau” - ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An đề xuất hướng tháo gỡ cho tình trạng trên.

Tuy nhiên, theo quy định và thực tế, giá cả là do thị trường và người kinh doanh dịch vụ đăng ký kê khai, chỉ khi hộ kinh doanh bán không theo giá niêm yết thì cơ quan chức năng mới xử phạt được. Chính vì vậy, ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch TP.Hội An cho rằng: “Ngành chức năng không thể đưa ra một mức giá chung chung được. Vấn đề là khi kiểm tra, hộ kinh doanh dịch vụ có kê khai giá hay không. Hiện chúng ta không thể áp giá theo mặt bằng chung được, trước đây Phòng Thương mại - du lịch từng mời Hiệp hội Du lịch thành phố xuống làm giá nhưng bất thành bởi giá không thể đưa vô khung để quản lý hết”. Thực tế này đang đòi hỏi các ngành chức năng của thành phố cần sớm có biện pháp phù hợp, trên cơ sở luật quy định, nhằm hỗ trợ các dịch vụ lưu trú homestay ổn định kinh doanh, góp phần chấn chỉnh tình trạng hạ giá quá thấp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó quản lý giá homestay ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO