Khó tái đàn heo vì thiếu vốn

ĐOÀN ĐẠO – HỒ QUÂN 06/12/2019 11:45

Không chỉ vụt mất một vụ nuôi sinh lời cao nhất là dịp tết mà người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh còn rơi vào tình cảnh khó tái thiết đàn heo bởi không còn đủ vốn để đầu tư sản xuất.

Đã 3 tháng trôi qua, ông Lê Tấn Đạt bỏ hoang chuồng trại vì thiếu vốn tái đàn mặc dù có thể đáp ứng các điều kiện theo quy định. Ảnh: Đ.Q
Đã 3 tháng trôi qua, ông Lê Tấn Đạt bỏ hoang chuồng trại vì thiếu vốn tái đàn mặc dù có thể đáp ứng các điều kiện theo quy định. Ảnh: Đ.Q

Nên thận trọng khi tái đàn

Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, hiện nay tổng số heo tiêu hủy trên toàn tỉnh là hơn 148 nghìn con với trọng lượng hơn 8,75 tấn. Hiện 151 xã, phường, thị trấn ở 16 huyện, thị xã, thành phố có dịch tả lợn châu Phi. Và Quảng Nam vẫn chưa công bố hết dịch do dịch bệnh vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương và có tái phát ở vài khu vực đã xuất hiện trước đó. Chính vì vậy, tỉnh vẫn chưa khuyến khích tái đàn, tuy nhiên ở  một số địa phương, người dân đã bắt đầu tái đàn. Trước thực tế này, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân nên thận trọng, việc tái đàn phải đảm bảo theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Cụ thể, thời điểm tái đàn sau dịch là 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn được 30 ngày, cần lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Ngoài ra, phải đảm bảo các quy trình an toàn sinh học như tiêu độc khử trùng chuồng trại, kiểm soát quản lý, quy trình kỹ thuật của cơ quan chức năng… “Ở Quảng Nam, người dân chủ yếu nuôi heo nái đẻ con để bán heo sữa xuất ra thị trường. Toàn tỉnh có khoảng 80.000 con heo nái chăn nuôi theo hình thức trên. Để ngăn dịch bệnh lay lan, Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam sẽ tổ chức tuyên truyền các hộ chăn nuôi giữ vệ sinh chuồng trại, thực hiện tốt quy trình tiêu độc khử trùng theo quy định. Đơn vị sẽ tăng cường giám sát, đặc biệt khuyến cáo hạn chế các thương lái mua bán heo thường xuyên ra vào khu vực chăn nuôi. Bởi đây là nguyên nhân có khả năng lây lan dịch bệnh từ các phương tiện vận chuyển không đảm bảo của các thương lái” - ông Nguyễn Thành Nam nói.

Người chăn nuôi cần được hỗ trợ vốn

Khi dịch tả lợn châu Phi “càn quét” qua địa phương, ông Bùi Minh Chiến (thôn An Thành 1, xã Bình An, Thăng Bình) xem như đã mất trắng vốn liếng bỏ ra cho đàn heo của mình. Gần 20 con heo nái và 100 con heo thịt đều phải mang đi tiêu hủy. Và ước tính thiệt hại của gia đình ông Chiến khoảng 300 triệu đồng. Sau 3 tháng từ khi heo bị dịch bệnh, để vớt vát lại những gì đã mất, ông Chiến đành phải chuyển sang nuôi giống gà Ai Cập để lấy trứng bán. “Chuyển qua nuôi gà lấy trứng chỉ là bất đắc dĩ thôi. Phần vì không có vốn, và quan trọng là địa phương chưa công bố hết dịch nên chẳng dám nuôi heo bởi nhỡ có chuyện gì sẽ không được hỗ trợ mà lại rơi vào cảnh nợ chồng nợ” - ông Chiến nói.

Tương tự, mặc dù rất muốn tái đàn và có thể đảm bảo các điều kiện tái đàn theo quy định của cơ quan chuyện môn nhưng ông Lê Tấn Đạt (thôn An Thành 1, xã Bình An) cũng đành để chuồng trại bị bỏ hoang trong 3 tháng qua. Dịch tả lợn châu Phi đã làm chết 40 con heo nái và 200 heo thịt khiến gia đình ông không đủ khả năng vực dậy sau hậu quả nặng nề này. Ông Đạt nói: “Không kể gần 100 triệu đồng bỏ ra làm chuồng trại và lứa heo bị chết vừa rồi, tôi chỉ nhẩm tính mua lại 40 con heo nái giống đã mất 360 triệu đồng, còn mỗi con heo thịt giống đã có giá 1,8 triệu đồng - giá gấp 3 lần giá so với thời điểm năm 2018. Số tiền mua giống tái đàn là vượt quá khả năng của gia đình nên không biết khi nào mới có thể làm lại mô hình kinh tế này nữa”.

Theo ông Đạt, người nuôi heo thời điểm này gần như không dám mạo hiểm để tái đàn vì nếu có dịch xảy ra thì sẽ thêm một lần thiệt hại nặng nề. Nên chủ yếu là chuyển qua nuôi gà để vớt vát chút thu nhập trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến và sẽ chờ đợi chính quyền công bố hết dịch để có thể chăn nuôi trở lại. “Khi công bố hết dịch thì vẫn chỉ có thể nuôi lại với số lượng nhỏ thôi vì có cầm cố tài sản ở các ngân hàng thương mại thì số tiền vay cũng ít. Chúng tôi cần nhất là Nhà nước đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện có một kênh vay vốn nào đó với lãi suất thấp dành riêng cho người chăn nuôi heo để chúng tôi có thể tái đàn sớm nhất” - ông Đạt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó tái đàn heo vì thiếu vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO