Dự tính tổng thu nội địa đến cuối tháng 6 sẽ đạt khoảng 63% dự toán năm, nhưng chủ yếu là của Trường Hải. Theo tính toán của Cục Thuế Quảng Nam, rất khó để tăng thu, bù đắp sự thiếu hụt ngân sách khi các biện pháp đều gặp khó khăn.
Suy giảm dây chuyền
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu nội địa 6 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ đồng, đạt 63% dự toán năm, tăng 41% so cùng kỳ. Theo ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng khá, nhưng cơ cấu nguồn thu nội địa phụ thuộc rất lớn vào số thu của 2 công ty sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch (KIA và Mazda) của Trường Hải, khi đã nộp đến 2.000 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán, chiếm trên 53,3% tổng thu. Các khoản thu còn lại chỉ đạt 1.750 tỷ đồng, đạt 49,2% dự toán, chỉ bằng 90,6% cùng kỳ.
Trong khi khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh luôn áp đảo về số thuế nộp với khoảng 2.610 tỷ đồng, đạt 66% dự toán, tăng 60,5% thì số thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương, FDI hay tiền sử dụng đất đều bị sụt giảm nghiêm trọng. Nếu số thu của doanh nghiệp nhà nước trung ương được cho là nhờ vào các nhà máy thủy điện có đủ lượng nước để phát điện và số thuế nộp cuối năm chuyển sang để đạt 50% thì doanh nghiệp nhà nước địa phương không thể đạt tiến độ. Những doanh nghiệp trọng điểm như Đội yến sào (Hội An) chỉ nộp 8,9/39,6 tỷ đồng dự toán, Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An nộp 6/18,1 tỷ đồng, Công ty Xây lắp điện chỉ nộp 1,1/9,6 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp FDI còn ảm đạm hơn khi số thuế nộp ngân sách chỉ khoảng 200 tỷ đồng (33,3% dự toán, bằng 70% cùng kỳ). Nhiều doanh nghiệp như nhà máy bia BVL giảm đến 17,9 tỷ đồng, Victoria Hội An giảm 5,1 tỷ đồng, Ngân hàng Cathay chỉ mới nộp 42 triệu đồng, giảm đến 12,1 tỷ đồng…
Thu thuế doanh nghiệp tư nhân, môn bài từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ được xem là khoản thu bền vững cho ngân sách.Ảnh: T.DŨNG |
Cục Thuế cho rằng sự sụt giảm nguồn thu ở khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương là do không có năng lực mới. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa, thiếu vốn kinh doanh, sức cạnh tranh thấp, kinh doanh kém hiệu quả. Sản lượng nhà máy bia giảm và tác động của chính sách miễn thuế GTGT khi các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1.1.2015, nên nguồn thu ở lĩnh vực FDI đã giảm đến 27,9 tỷ đồng. Còn thu sử dụng đất chủ yếu nhờ thu tiền đền bù sử dụng đất của dự án đường cao tốc…
Không dễ tăng thu
Xét về lý thuyết, 39,5% chỉ tiêu thu ngân sách còn lại sẽ không khó khi còn đến 6 tháng, nhưng sự sụt giảm bất ngờ, đột biến của các doanh nghiệp đã khiến các cơ quan quản lý lo lắng. Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng hiện tại chỉ có khoảng trên 36% doanh nghiệp có lãi. Còn lại đều chỉ cầm cự, duy trì sản xuất. Thống kê cho thấy sản xuất và tiêu thụ ô tô du lịch tăng đáng kể, nhưng chịu tác động rất lớn của thị trường nên khó dự báo mức độ tăng thêm. Các nhà máy thủy điện đang phải đối mặt với thiếu nước. A Vương không đủ lượng nước nên sản lượng điện sản xuất chỉ khoảng 150 triệu kwh, bằng 17% công suất lắp máy, chỉ bằng 35% sản lượng phát điện cùng kỳ, nên số nộp ngân sách đã giảm đến 39,1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hiện mực nước một số hồ thủy điện đang ở mức thấp, khô hạn vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Dự báo, các nhà máy thủy điện sẽ không đủ nước phát điện trong những tháng tới, nên số nộp ngân sách sẽ giảm đáng kể. Khả năng nộp thuế của doanh nghiệp nhà nước địa phương lại có xu hướng giảm mạnh hơn và năng lực sản xuất của doanh nghiệp FDI chưa có dấu hiệu tăng trưởng... Tất cả yếu tố bất lợi này tác động đến khả năng tăng thu.
Nhiều thành viên Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh tham dự buổi làm việc với Cục Thuế vào chiều 22.6 đã băn khoăn vì sao các doanh nghiệp FDI luôn mở rộng quy mô sản xuất, tăng vốn nhưng số thu thuế lại giảm sút. Các báo cáo về du lịch, dịch vụ đều công bố lượng khách gia tăng nhưng việc thu thuế khu vực này không đạt như dự định. Ông Nguyễn Hoàng Minh – Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đặt câu hỏi liệu có đủ khả năng để chống chuyển giá, tránh thất thu thuế và thu thuế phụ thuộc vào Trường Hải quả là quá khó khăn cho ngân sách nhà nước?
Kế hoạch để gia tăng các nguồn thu cho 6 tháng còn lại của năm đã được đặt ra, nhưng theo dự báo vẫn khó có khả năng thực hiện đúng như mong muốn. Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho hay tăng thu bền vững thì chỉ có cách duy nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng doanh nghiệp yếu ớt thì không thể tăng thu bằng bất cứ giá nào. Doanh nghiệp nhà nước cầm cự, ngân hàng siết chặt vốn vay. Tăng trưởng du lịch, dịch vụ chủ yếu là lưu trú, nhưng khách đến rồi đi, ít ở lại Quảng Nam. Sản xuất bia giảm... Số thu vượt 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014 trong vòng 6 tháng nay, đã có đến 900 tỷ đồng từ Trường Hải. Ngay như năm 2012, chỉ thực hiện miễn, dãn thuế cho Trường Hải, ngân sách đã hụt thu 1.000 tỷ đồng. “Cơ cấu nguồn thu phụ thuộc quá nhiều vào Trường Hải và sự bất ổn của thiên nhiên tác động các doanh nghiệp thủy điện, thì thực sự không bền vững, nhưng tìm đâu, dựa vào gì để tăng thu thì ngành thuế không biết dựa vào đâu để tìm nguồn và không thể tính toán được” - ông Hưng nói.
TRỊNH DŨNG