Kho tàng văn hóa dân gian

DUY HIỂN 04/03/2017 10:01

Các nhà nghiên cứu ví von rằng văn hóa dân gian là “tấm căn cước” để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa dân gian còn là tài nguyên để mỗi địa phương và cả quốc gia phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên để sử dụng một cách hiệu quả thì việc nhận diện, nghiên cứu gia tài văn hóa dân gian là rất cần thiết, đặc biệt với Quảng Nam - vùng có gia tài văn hóa dân gian dày dặn.

Nhiều kết quả nổi bật

Thực ra từ hàng chục năm trước, công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Quảng Nam đã được tiến hành, nhưng phải từ sau tái lập tỉnh năm 1997, công việc này mới đạt được những thành tựu đáng kể. Với sự cộng tác của một số nhà nghiên cứu ở Đại học Huế, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội..., Sở VH-TT&DL đã xuất bản được nhiều tập sách có giá trị, như: Văn học dân gian miền biển, Văn học dân gian miền núi, Truyện cười Thủ Thiệm, Ca dao hò vè thời kháng chiến... Bên cạnh đó còn có các nghiên cứu về nhà cổ truyền của người Kinh, phong tục tập quán ở xứ Quảng, âm nhạc cồng chiêng của đồng bào thiểu số Quảng Nam... Những năm gần đây một số đơn vị như Phân viện nghiên cứu văn hóa Huế, Phân viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã thực hiện một số công trình tìm hiểu về làng Việt ở Quảng Nam, nghiên cứu các lễ hội xứ Quảng... Những công trình đã dựng được một diện mạo khá rõ nét về văn hóa dân gian xứ Quảng, đề xuất những giải pháp khoa học để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ấy.

Vũ điệu cồng chiêng.Ảnh: D.HIỂN
Vũ điệu cồng chiêng.Ảnh: D.HIỂN

Quảng Nam cũng sở hữu một đội ngũ nghiên cứu văn hóa dân gian có trình độ khoa học và ngày càng trưởng thành. Nổi bật nhất là đội ngũ nghiên cứu ở Hội An. Năm 1997, Hội An đã thành lập được Chi hội Văn nghệ dân gian, trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và cho đến nay là nơi duy nhất trong tỉnh làm được việc này. Với các nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung ương, thành phố và nguồn hỗ trợ từ nước ngoài, các hội viên đã điều tra, khảo sát văn hóa phi vật thể trên địa bàn, đánh giá, đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản này. Chi hội Văn nghệ dân gian ở đây cũng đã xuất bản nhiều công trình có giá trị. Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - khẳng định: “Chúng tôi xác định nghiên cứu khoa học là để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số công trình nghiên cứu văn hóa dân gian đã trở thành sản phẩm du lịch, tiêu biểu là Lễ hội đêm rằm phố cổ. Nhiều nghiên cứu đã tạo cơ sở khoa học cho việc trùng tu các công trình kiến trúc ở phố cổ. Chúng tôi cũng nghiên cứu và đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống và xây dựng hồ sơ khoa học, vừa rồi Bộ VH-TT&DL đã công nhận Làng mộc Kim Bồng, Làng khai thác yến sào Thanh Châu là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Ở phạm vi toàn tỉnh, từ năm 2012, Chi hội Văn nghệ dân gian đã được thành lập, trực thuộc Hội VH-NT tỉnh. Chi hội hiện có 10 hội viên chính thức và một số hội viên sinh hoạt ghép. Trong những năm qua chi hội đã đạt nhiều kết quả trong việc sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản nhiều công trình có giá trị về văn nghệ dân gian. TS. Trần Tấn Vịnh (Đại học Quảng Nam) cho biết, nhiều hội viên đã tham gia tích cực trong việc nghiên cứu, xây dựng các hồ sơ khoa học để đệ trình Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cần chính sách hỗ trợ nghiên cứu

So với gia tài văn hóa dân gian khá đồ sộ của xứ Quảng thì kết quả nghiên cứu trong thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là số người tham gia nghiên cứu và kinh phí dành cho hoạt động khoa học này còn  rất ít. Mỗi năm Chi hội Văn nghệ dân gian chỉ được hỗ trợ 8 - 10 triệu đồng để triển khai khoảng 10 đề tài nghiên cứu nhỏ; chưa có chiến lược nghiên cứu bài bản và lâu dài.

Trong khi đó do sự thay đổi về lối sống, sản xuất; sự suy giảm của tài nguyên rừng ở các vùng miền núi khiến nhiều giá trị văn hóa dân gian đang biến đổi nhanh chóng. Đặc biệt ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều giá trị văn hóa quý giá đang bị mai một, biến dạng. Nếu không kịp thời nghiên cứu, lưu giữ thì những mất mát này là vĩnh viễn. Vì thế việc đẩy mạnh các hoạt động trên lĩnh vực này là rất cấp bách và cần thiết. TS.Trần Tấn Vịnh cho rằng: “So với nhiều vùng ở Tây Nguyên thì may mắn là vùng núi Quảng Nam, đặc biệt là dân tộc Cơ Tu vẫn còn bảo lưu khá tốt bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ở vùng người Kinh miền đồng bằng cũng có nhiều giá trị văn hóa dân gian quý giá. Tuy nhiên, nếu chúng ta không khẩn trương sưu tầm, nghiên cứu thì sẽ không còn cơ hội. Năm 2013 tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020, nhưng kết quả triển khai khá hạn chế. Tôi nghĩ tỉnh cần phải có chính sách cụ thể để thúc đẩy việc nghiên cứu, phổ biến các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để minh định một số giá trị tiêu biểu. Ví dụ điệu múa tâng tung da dá rất có thể lập hồ sơ đề xuất công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thế giới”.

Về một số giải pháp căn cơ cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Quảng, ông Trần Văn An cho rằng: “Phải có chương trình nghiên cứu dài hơi, trọng điểm. Trước mắt cần đẩy mạnh việc kiểm kê đánh giá các hình thức văn nghệ dân gian, chọn lọc những giá trị tiêu biểu để tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mặt khác cần mở rộng hợp tác nghiên cứu với các địa phương khu vực ngoài tỉnh, hợp tác quốc tế. Muốn làm được điều này cần phải vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Về phía Chi hội văn nghệ dân gian, chúng tôi sẽ kết nạp thêm hội viên, nhất là vùng miền núi để tăng thêm lực lượng nghiên cứu ở những nơi có nhiều ưu thế về văn hóa dân gian này”.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kho tàng văn hóa dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO