Công ty CP Đầu tư xây dựng dịch vụ và thương mại Phước Bình (gọi tắt là Công ty Phước Bình) có trụ sở tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Ông Trần Văn Định làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty; ông Thái Tiến và ông Nguyên Xuân Thu làm Phó Giám đốc công ty. Trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Trần Văn Định ứng của Công ty Phước Bình 725.667.000 đồng và đã chi trả cho việc xây dựng nhà kho, nhà ở công nhân Nông trường Cao su Nông Sơn và công trình vệ sinh xã Phước Ninh (Nông Sơn) hết 442.857.000 đồng. Số tiền còn lại 282.810.000 đồng, ông Trần Văn Định không trả cho Công ty Phước Bình, dẫn đến việc hai ông Phó Giám đốc Công ty này phải khởi kiện vụ án kinh tế ra TAND Quảng Nam để yêu cầu giải quyết.
Tại Quyết định số 06/2012/QĐST-KDTM ngày 28.12.2012 của TAND Quảng Nam về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ông Trần Văn Định thừa nhận mình có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Công ty Phước Bình số tiền 282.810.000 đồng. Cụ thể, thời hạn trả được chia thành 2 lần: Lần 1: đến ngày 30.1.2013 trả 140.000.000 đồng; lần 2: đến ngày 28.2.2013 trả 142.810.000 đồng. Tuy việc thỏa thuận giữa hai bên đã được tòa án ra quyết định công nhận như vậy, nhưng ông Trần Văn Định vẫn không thực hiện, dẫn đến việc hai ông Thái Tiến và Nguyên Xuân Thu phải làm đơn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam thi hành. Và vấn đề rắc rối bắt đầu phát sinh từ đây.
Hai ông Thái Tiến và Nguyên Xuân Thu đòi lại số tiền 282.810.000 đồng cho Công ty Phước Bình, nhưng hai ông này là phó giám đốc làm sao có quyền nhân danh công ty để đứng đơn yêu cầu thi hành án? Trong khi người phải thi hành án lại chính là ông Trần Văn Định, Giám đốc công ty! Ông Trần Văn Định sẽ “không dại” gì ủy quyền và giao con dấu công ty cho hai ông phó giám đốc đứng ra làm đơn yêu cầu mình phải thi hành. Càng khó có chuyện chính ông Trần Văn Định đứng ra nhân danh công ty làm đơn yêu cầu thi hành án đối với chính mình. Như vậy là Quyết định số 06/2012/QĐST-KDTM ngày 28.12.2012 của TAND Quảng Nam đã đưa vụ việc vào tình trạng bế tắc vì “bên thắng kiện” rút cuộc lại không có quyền yêu cầu thi hành án, trong khi cái quyền này lại nằm trong tay của người phải thi hành án.
VĨNH KHIÊM - NGUYÊN KIM