Những cây mạ non tơ vừa xuống đồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thôn Long Túc, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, đầy ấn tượng trong ánh mắt của đoàn thực tế sáng tác văn nghệ Quảng Nam.
Nam Trà My nói riêng cũng như nhiều vùng cao khác nói chung, nhiều năm gần đây đã cải thiện việc làm ruộng lúa nước. Cho nên cuộc sống của họ đỡ bấp bênh rất nhiều. So với việc trồng lúa khô, vụ mùa bị động, dễ thất thu vì nắng hạn kéo dài, thì việc trồng lúa nước rất thuận lợi. Người dân chủ động cấy lúa khi những cơn mưa đầu mùa síp nước trên thửa ruộng bậc thang. Họ ý thức được “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” nên sẵn sàng vỡ đất thêm; nơi nào có thể be được nước, không bị ảnh hưởng bởi nắng hạn là họ ươm mầm hạt giống. Chính vì thế mà những thửa ruộng bậc thang ở Nam Trà My càng ngày càng nhân lên, kể cả những vạt ruộng nhỏ nhất chen chúc trong hốc đá.
Những cây lúa tong teo là thế, mà khi bén rễ dường như chúng có một sức sống diệu kỳ. Lá lúa mỏng tang hồn nhiên ngửa mặt đón những cơn mưa mát lạnh đầu mùa để lớn. Theo thời gian, cây lúa trỗ đòng, rập rờn phơi màu trong nắng ấm. Hương thơm nương theo làn gió, hào phóng phân phát khắp buôn làng, đồi nương, hứa hẹn một vụ mùa trẩy hạt.
Đẹp nhất vẫn là mùa lúa chín. Không kể buổi sáng, đồng lúa còn ngủ vùi trong lớp mù sương. Tắm nắng buổi chiều, những thửa ruộng bậc thang hóa thành bức tranh màu vàng rực rỡ, mỹ lệ, nổi bật giữa trùng trùng, điệp điệp màu xanh. Khoảnh khắc ấy dường như đại ngàn bừng sáng, hòa điệu cùng ước mơ và niềm mong mỏi của con người về cuộc sống đủ đầy, tốt đẹp.
Đến mùa thu hoạch, cũng do địa hình bậc thang, nên tất cả mọi người đều vận dụng sức lao động, để có thể đem “hạt ngọc trời” về nhà. Mùa thu hoạch lúa với người miền núi là mùa hội. Liên tục, cần mẫn, miệt mài, những đôi tay vừa tầm cây lúa, bàn tay này đưa tới, bàn tay kia thu lại, tuốt hết bông lúa này đến bông lúa khác. Cái gùi trên lưng ngửa mặt hứng những hạt lúa vàng mẩy, hân hoan gọi tiếng rì rào. Đôi tay thoăn thoắt đưa tới trước, rồi hất ngược ra phía sau. Ta nhìn từ xa giống như một điệu múa nhịp nhàng. Sức sống bất tận chảy đầy trên đôi tay dẻo dai bởi bao mùa mưa nắng... Gặt lúa trên lưng. Đem lúa về nhà cũng trên lưng, kiếm thêm bó củi cũng trên lưng. Những bước chân trần, những chiếc lưng vững chãi của họ góp phần tiếp nối sự sống bao đời.
Cùng với lễ hội cồng chiêng, lễ cúng máng nước, người vùng cao tổ chức lễ mừng lúa mới rất tâm thành. Cũng như người miền xuôi, khi gặt xong họ cúng cơm mới, xin phép thần linh mới cất lúa vào kho. Họ cầu cho ơn trên phù hộ mưa thuận gió hòa để được mùa sau. Kể cả khi khui mẻ lúa đầu tiên, họ cũng làm lễ cúng bái rất trang trọng. Đời sống còn nhiều khó khăn, thì hạt lúa quý giá vô ngần, chưa kể ngày mùa tiếp theo còn quá dài, nên đôi khi không còn thức ăn dự trữ, họ cũng không dám tùy tiện mở kho thóc để dùng. Trải qua bao mùa mất hạt, họ đủ hiểu sự sống quý giá dường nào, nên kho thóc mà họ kế thừa từ đời này qua đời khác cần phải giữ gìn và nâng niu.
Nhỏ bé nhưng chắc chắn, kho thóc được đặt ở những mô đất cao so với ngôi nhà của dân bản. Bốn trụ vững chãi như cột nhà, chúng như thách thức thời gian, thách thức với bão táp mưa sa, để dưỡng nuôi cuộc sống buôn làng. Sự vững chãi đó thể hiện ở dáng thấp, chắc nịch, gọn gàng, chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ so với mô đất rộng. Nhà của bản làng có thể lợp tranh tre, nứa lá, nhưng kho thóc được ưu tiên lợp tôn hoặc sang hơn lợp bằng mái ngói. Bốn phía áp ván dày được nẹp lại chắc chắn. Kho thóc đặt ở vị trí cao, thoáng mát không có cây cối che phủ. Thấy lạ, tôi hỏi trưởng thôn Long Túc - Hồ Văn Chê, anh sẻ chia: “Hạt thóc là huyết mạch của sự sống, nên phải bảo bọc kỹ càng như vậy, không cẩn thận mấy “anh tý” sẽ đục khoét phá hư hết…”.
Một điều đặc biệt của đời sống cộng đồng vùng cao Nam Trà My mà ta vô cùng ngưỡng mộ, đó là sự mộc mạc giản dị, thật thà chất phác của họ. Nhiều kho thóc đặt liền nhau, không làm dấu gì cả, nhưng của ai phần người nấy, không hề lẫn lộn. Có lẽ hơn ai hết họ hiểu rằng, để có được hạt lúa đặt vào trong kho, họ đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức, đã chắt chiu bao giọt mồ hôi mới thu được thành quả đó, nên cộng đồng bảo vệ cho nhau.
Kho thóc vùng cao được người dân miền núi bảo bọc như kho báu của dòng tộc. Với họ, kho thóc không chỉ duy trì sự ấm no hằng ngày, mà còn góp phần làm nên thuần phong mỹ tục đời đời của buôn làng. Lời nói bất hủ của già làng vùng cao được lưu truyền qua nhiều thế hệ: “Người con miền núi phải biết giấu kín niềm vui trong lòng. Nhưng phải biết thốt lên lời cảm ơn sự thiếu thốn…” Phải chăng, đối mặt với gian nan, đối mặt với sự nghiệt ngã của thiên nhiên, người con của núi mới lột tả hết phẩm chất cùng nghị lực kiên cường của con người sinh ra từ gập ghềnh vách đá? Chân lý đó đã giúp họ chấp nhận cuộc sống, đẩy lùi số phận, ngẩng cao đầu chinh phục thiên nhiên, từng bước xây dựng quê hương từ vất vả đói nghèo.