Chủ đầu tư của 128 dự án/công trình đã hoàn thành, tồn đọng quyết toán đã cam kết đến hết ngày 30.8.2015 sẽ hoàn tất hồ sơ quyết toán, nhưng kế hoạch xử lý số tạm ứng kéo dài này có dứt điểm được hay không vẫn là câu hỏi khó trả lời!
Nợ tạm ứng kéo dài
UBND tỉnh cho hay trong vòng 6 tháng qua, chính quyền đã phê duyệt 152 dự án/hạng mục với tổng giá trị quyết toán 1.427/1.436 tỷ đồng do các chủ đầu tư đề nghị. Tuy nhiên, hiện cả Quảng Nam vẫn còn khoảng 128 dự án/công trình đã hoàn thành, nhưng chưa được quyết toán. Nhiều nhất là Núi Thành 39 dự án, Tam Kỳ 14 dự án, Tiên Phước 15 dự án, Phú Ninh 12 dự án, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai 3 dự án… Sự chậm trễ này được lý giải là do các nhà thầu xây lắp, tư vấn đã giải thể hoặc trù trừ, thiếu hợp tác với chủ đầu tư trong việc lập hồ sơ, quyết toán hợp đồng thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà thầu. Một số công trình đã đầu tư và hoàn thành quá lâu, trải qua nhiều lần thay đổi cán bộ hoặc chia tách hành chính nên không đủ cơ sở lập hồ sơ quyết toán. Số còn lại đang chờ hồ sơ thẩm tra của đơn vị kiểm toán độc lập. Theo ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính, kể từ năm 2015 trở đi, đã thực hiện đúng tinh thần Công văn số 1583/UBND - KTTH ngày 20.4.2015 là chỉ tạm ứng ngân sách hay tồn ngân kho bạc nhà nước để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trong danh mục dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua, đã được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn, yêu cầu bức thiết phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xác định rõ nguồn vốn và thời gian hoàn trả. So với các năm, tiến độ ứng vốn 6 tháng qua không nhiều, đủ để giải quyết kịp thời những nhu cầu bức xúc, nhất là địa phương bị thiếu hụt nguồn lực cân đối.
Đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập hay dự án nạo vét sông Trường Giang, đường vào Cụm công nghiệp Trảng Nhật… là những dự án, công trình nợ tạm ứng kéo dài, chưa thể hoàn ứng cho ngân sách nhà nước. Ảnh: T.D |
Theo thống kê của Sở Tài chính, hiện số dư tạm ứng khoảng 1.259,134 tỷ đồng (1.003,655 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ bản và 255,479 tỷ đồng chi thường xuyên). Trước con số tạm ứng lớn như vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã đặt cho người đứng đầu ngành tài chính Quảng Nam câu hỏi tạm ứng chi thường xuyên, xây dựng cơ bản được/ mất gì và nên hay không? Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính khẳng định tạm ứng chi thường xuyên không đáng lo ngại. Các chế độ chính sách phải cấp, nên phải ứng. Số liệu này sẽ tổng hợp quyết toán với Bộ Tài chính và xóa ứng. Tất cả chỉ là vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Chín cũng cho hay lo ngại nhất là tạm ứng xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh. Các chủ đầu tư và Kho bạc Nhà nước đã tạm ứng thực hiện hợp đồng xây dựng cơ bản cho nhà thầu nhưng đến hết năm 2014, nhiều công trình chưa có khối lượng để thanh toán còn khá lớn, khoảng 138,7 tỷ đồng. Trong đó có một số khoản tạm ứng năm 2010 về trước đến nay vẫn chưa thể thu hồi được. Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, ngân sách trung ương đã tạm ứng vốn xây dựng cơ bản cho Quảng Nam khá lớn, khoảng 556,36 tỷ đồng, nhưng không hiểu vì sao chưa bố trí vốn để thu hồi, dù nhiều công trình đã quyết toán, đưa vào sử dụng. UBND tỉnh đã trình, xin mãi vẫn chưa được xóa ứng!
Không dễ xử lý sớm
Sau vài cuộc gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn mới đây, đa số chủ đầu tư của 128 dự án/công trình tồn đọng đã cam kết đến hết ngày 30.8.2015 sẽ hoàn tất hồ sơ quyết toán các dự án trên. Tuy nhiên, thực tế sẽ không dễ dàng thực hiện đúng như chỉ đạo. Theo thẩm tra của Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh, các khoản nợ tạm ứng từ năm 2010 trở về trước phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012 vẫn còn tồn đọng hơn 71 tỷ đồng. Đáng lưu ý trong đó một số dự án, gói thầu đã ngừng triển khai thi công nhưng vẫn còn treo tạm ứng chưa thu hồi, như dự án nạo vét khẩn cấp sông Trường Giang hơn 31,975 tỷ đồng, dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập 2,57 tỷ đồng… Ông Nguyễn Tiến - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho hay nhà thầu đã đóng “đống sắt” vào chợ Tam Quang mấy chục tỷ đồng rồi đi mất. Doanh nghiệp giải thể, truy tìm không ra. Không có khối lượng thanh toán nên tạm ứng cứ bị treo như vậy. Không lẽ không có cách gì giải quyết?
Tuyên bố giám sát chặt chẽ của các chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan quản lý khi tính lãi trên số dư nợ đọng chỉ tác động đến những nhà thầu thiện chí, còn các doanh nghiệp cố tình lảng tránh hay chây ỳ hiện vẫn chưa có cách giải quyết. Thậm chí khi đã được chuyển đến cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, các chủ đầu tư, cơ quan quản lý vẫn không thể làm gì được với các “con nợ” này. Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể… Ông Nguyễn Quốc Tùng - Trưởng phòng kiểm soát chi - Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói số nợ tạm ứng kéo dài bởi hầu hết nhà thầu không chịu hoàn ứng hoặc bất hợp tác với chủ đầu tư cơ quan quản lý. Không ít hồ sơ chuyển cho cơ quan thi hành án để thu nợ, nhưng cơ quan này đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu khi không thể xác định được tài sản vì công ty đã giải thể hoặc bán lại cho đơn vị khác. Không dư luận nào chấp nhận các chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm, “xin” xóa nợ tạm ứng với một lý do “đơn giản” chỉ vì nhà thầu, tư vấn, thi công… đã giải thể. Thu hồi nợ tạm ứng vẫn sẽ là câu chuyện dài. Nếu không xử lý rốt ráo việc này, nguy cơ mất vốn ngân sách sẽ tiếp tục xảy ra và mất cả lòng tin của dân chúng về năng lực điều hành của các cơ quan công quyền!
TRỊNH DŨNG