Khó thu hồi nợ đọng thuế

TRỊNH DŨNG 18/12/2013 13:58

Nợ thuế khó đòi, chờ xử lý ngày càng gia tăng, nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để thu hồi, bù đắp chỉ tiêu thu ngân sách nội địa đang thiếu hụt.

HĐND tỉnh đã chính thức quyết định con số dự toán thu nội địa năm 2014 là 5.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với ước thực hiện năm 2013. Dự toán này dựa vào việc sẽ thu từ doanh nghiệp (DN) trung ương 390 tỷ đồng (tăng 21%), thu từ DN nhà nước địa phương 220 tỷ đồng (tăng 8,3%), từ FDI 679 tỷ đồng (trong đó có Công ty Vàng Phước Sơn được giao sản lượng 1.000kg vàng và thu nợ 50 tỷ đồng), thu từ khu vực ngoài quốc doanh 2.589 tỷ đồng (tăng 10%) với việc dựa vào năng lực sản xuất và tiêu thụ xe của Công ty Ô tô Trường Hải... Chỉ tiêu này cao hay thấp, khả năng thu đạt hay không vẫn là chuyện chưa thể xác định chính xác bởi tất cả chỉ dựa vào sự ước định khả năng phục hồi của sức sản xuất trong khi DN vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, trồi sụt, suy giảm của thị trường. Kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế-ngân sách HĐND tỉnh cũng cho thấy, để đạt được kế hoạch thu ngân sách này, cần có thêm những giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, phục hồi các nguồn thu cho ngân sách như phát triển sản xuất điện năng; sản xuất, lắp ráp ô tô, khai thác khoáng sản. Đồng thời có giải pháp cụ thể tích cực để thu hồi các khoản nợ thuế kéo dài...

Sự gia tăng thu nội địa năm 2014 trong bối cảnh khó khăn đã buộc các cơ quan hành thu nghĩ tới việc thu hồi nợ đọng thuế (khoảng 645 tỷ đồng) để bù đắp cho đủ chỉ tiêu năm 2014, nhưng thiếu một cơ chế an toàn và biện pháp hữu hiệu nên công việc này đang gặp khó. Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, nếu chỉ nhìn vào sự tăng trưởng có 11,6% so với năm 2013 là một con số thấp, nhưng đối diện với thực tế thì ngành thuế cũng không dám chắc có đạt được con số này hay không?  Nguồn thu chủ yếu của Quảng Nam phụ thuộc vào thuế tiêu thụ đặc biệt từ ô tô, từ tài nguyên nước (thủy điện) và vàng. Tuy nhiên, năm 2013 đã hụt thu từ thủy điện 130 tỷ đồng, còn vàng thì Công ty Vàng Phước Sơn đã nợ đến 190 tỷ đồng. Ngân hàng không tiếp tục cho vay nữa nên công ty này gặp khó khăn thì liệu việc giao 1.000kg năm nay và thu khoảng 50 tỷ đồng nợ thuế (hiện đã bị phong tỏa tài khoản ngân hàng) có xác tín hay không? Trong một góc nhìn khác, ông Bốn cho rằng, chỉ tiêu giao thì phải phấn đấu hết mức, nhưng nếu nhìn vào con số nợ đọng 645 tỷ đồng để “đòi” thì rất ít khả quan.

Theo ông Bốn, nợ đọng thuế không phải mới phát sinh mà đã lưu cữu nhiều năm. Ngoài 60 tỷ đồng của DN phá sản, chờ xử lý 40 tỷ đồng của DN khác (đang chờ quyết định của tòa án mới có thể công bố xóa nợ) thì trong số 645 tỷ đồng nợ đọng, đã có 108 tỷ đồng của Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thuộc cơ chế khuyến khích đầu tư từ năm 2010, 100 tỷ đồng nợ thuế do cơ chế vượt trội thuê đất và thu nhập DN, 190 tỷ đồng của Công ty Vàng Phước Sơn. Với số nợ đọng khoảng 500 tỷ đồng này, cơ quan thuế đã đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến để UBND tỉnh báo cáo với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thống nhất chủ trương chỉ đạo ngành thuế về số tiền thuế thu nhập DN, tiền thuê đất còn nợ do hưởng cơ chế vượt trội, nhưng đã nhiều năm đi qua vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Cục Thuế tỉnh cho biết đã báo cáo số liệu ưu đãi vượt trội này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo cụ thể. Nếu không có cơ sở giải quyết dứt điểm thì nợ thuế và số tiền phạt chậm nộp theo quy định càng ngày càng tăng. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho DN và công tác quản lý của cơ quan thuế các cấp. “UBND tỉnh cần chủ trì các cuộc họp để xử lý loại bỏ các con số nợ này. Nếu cấp thẩm quyền không xử lý thì dù có nỗ lực đến mấy, ngành thuế cũng không thể làm gì được với số nợ đọng kéo dài này” - ông Bốn nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó thu hồi nợ đọng thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO