Sự đôn đốc, hướng dẫn hay áp dụng tính lãi trên số dư tạm ứng tồn đọng nhiều năm vẫn chưa thể thu hồi được nợ ứng. Nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chuyển hồ sơ nhà thầu về phía cơ quan thực thi pháp luật hoặc “xin” xóa nợ, nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Nợ “lưu cữu”
Nỗ lực hướng dẫn các thủ tục hoàn ứng, kiên quyết thu hồi lẫn áp dụng các biện pháp chế tài, tính lãi trên số dư tạm ứng còn tồn đọng của chính quyền và các cơ quan quản lý đã mang lại sự thay đổi lớn trong việc xử lý nợ tạm ứng đầu tư từ năm 2010 trở về trước. Nếu tháng 4.2011, số nợ tạm ứng “lưu cữu” từ 4 cấp ngân sách được báo cáo là đến 1.373 tỷ đồng thì đến cuối tháng 7.2013 chỉ còn tồn đọng khoảng 184,650 tỷ đồng (kể cả 89,6 tỷ đồng thuộc các hợp đồng còn hiệu lực và các hợp đồng được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài). Ông Thân Đức Sửu - Phó Giám đốc Sở Tài chính nói, nợ tạm ứng kéo dài do chủ đầu tư chưa chịu thanh toán; một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể và vài dự án đã bị dừng đầu tư, thi công… Các cơ quan quản lý tiếp tục lên kế hoạch thu hồi và chủ đầu tư tiếp tục theo dõi, đề cao trách nhiệm đôn đốc hoàn ứng trong thời gian nhanh nhất.
Đường lên Trà Tập, Trà Linh (Nam Trà My) dở dang, chưa có khối lượng hoàn ứng rất khó hoàn ứng. Ảnh: T.D |
Danh sách dự án của các hợp đồng đã hết hiệu lực được UBND tỉnh cho phép gia hạn, buộc phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012 khoảng hơn 95 tỷ đồng, chủ yếu thuộc về các dự án do Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai làn chủ đầu tư. Một số dự án nợ đọng lớn (dự án nợ ít nhất từ 728 triệu đồng và cao nhất là gần 12 tỷ đồng) như: xây dựng kết cấu hạ tầng khu đất phía bắc khu công nghiệp Tam Hiệp, khu dân cư An Hà – Quảng Phú, khu dân cư Tam Quang, kè sông Bến Ván, đường tránh khu du lịch Bãi Rạng, bến cảng số 3 Kỳ Hà, nạo vét lũ khẩn cấp sông Trường Giang, quốc lộ 14D – La Êê, đường ô tô đến xã Trà Tập và đường vào cụm công nghiệp Trảng Nhật (Điện Bàn) và Quế Sơn. Theo nhận định của cơ quan cấp phát thì số nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm nay rất khó để thu hồi dứt điểm, bởi hầu hết nhà thầu không chịu hoàn ứng hoặc bất hợp tác với chủ đầu tư, cơ quan quản lý! Điều này gây khó khăn cho việc quản lý dòng vốn đầu tư từ ngân sách. Sự chây ì hoàn ứng của các nhà thầu rõ nhất là dự án cầu cảng số 3 cảng Kỳ Hà nợ 11,896 tỷ đồng, không chịu hoàn ứng dù đã ngừng thi công hay Công ty Xây dựng Quảng Nam TNHH MTV ngừng thi công gói thầu số 1 khu dân cư phía tây An Hà – Quảng Phú nợ 1,672 tỷ đồng không hoàn ứng. Ngoài ra, nhà thầu dự án quốc lộ 14D – La Êê vẫn chưa chịu trả tiền hoàn ứng dù đã dừng triển khai và đường ô tô đến Trà Tập, Trà Linh (hơn 4,314 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh gia hạn hợp đồng nhiều lần nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa có khối lượng để hoàn ứng. Đó là chưa kể đến số tiền hơn 7,577 tỷ đồng ngân sách huyện, xã, phường, chủ yếu ở Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành bị buộc phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012 vẫn chưa thấy chuyển biến.
Kiên quyết
Quy trách nhiệm cho các chủ dự án không chịu hoàn ứng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang khẳng định sẽ chỉ đạo gắt gao kiểm tra, kiểm soát khối lượng thực hiện của các nhà thầu để thu hồi tạm ứng. Xác định rõ nguyên nhân các bên liên quan trong việc chậm trễ hợp đồng để kéo dài nhiều năm và quy trách nhiệm cho các chủ dự án không chịu hoàn ứng. Nếu không thể thu hồi sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng thụ lý giải quyết vì không thể để vốn ngân sách cấp phát “mất đi” mà không ai chịu trách nhiệm. |
Số nợ tạm ứng tồn đọng dù đã được giảm dần qua các năm nhưng thực tế vẫn còn nhiều dự án nợ đọng không thể thu hồi đã được báo trước. Sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan cấp phát hoặc tính lãi trên số dư chỉ “tác động” đến những nhà thầu “thiện chí”, còn các đơn vị khác cố tình lảng tránh hay chây ì cho đến bây giờ vẫn rất khó cho các cơ quan quản lý. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, số nợ tạm ứng kế hoạch năm 2011 - 2013 đã được các chủ đầu tư hoàn ứng đúng quy định. Các chủ đầu tư và nhà thầu đã khắc phục tình trạng dư tạm ứng quá 6 tháng (đối với xây lắp) chưa hoàn ứng lần đầu và quá thời hạn 30 ngày (đối với bồi thường giải phóng mặt bằng) chưa thực hiện hoàn ứng. Còn các hợp đồng được ký kết sau ngày 16.1.2013 đã được theo dõi và tính lãi số dư tạm ứng vi phạm thời gian quy định. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đã tỏ ra kiên quyết hơn khi “buộc” các chủ đầu tư có nợ đọng tạm ứng từ năm 2010 trở về trước phải xử lý dứt điểm trong quý III/2013 và nếu nhà thầu không hợp tác thì đề nghị chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật hiện hành. Riêng 89,6 tỷ đồng nợ của các dự án còn hiệu lực thì dự án phòng chống lụt bão đường cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình chiếm đến 83,495 tỷ đồng đã được UBND tỉnh gia hạn thực hiện hợp đồng đến tháng 3.2015 mới hoàn ứng.
Trước áp lực hoàn ứng, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai báo cáo rằng, đã ứng cho Tập đoàn Xuân Thành (có bảo lãnh tạm ứng còn hiệu lực của Ngân hàng Đầu tư & phát triển Ninh Bình) 31,975 tỷ đồng cho dự án “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang”. Dự án này đã bị ngừng triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đã nhiều lần làm việc với nhà thầu và yêu cầu Ngân hàng Đầu tư & phát triển Ninh Bình hoàn trả vốn đã tạm ứng theo thư bảo lãnh, nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông Phạm Ân - Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, ban quản lý đã đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ các nhà thầu như Công ty TNHH Minh Phú (xây lắp, san nền tổ hợp ô tô than Việt Nam và đường Thanh niên ven biển), Công ty 789 Bộ Quốc phòng (đường tránh khu du lịch Bãi Rạng) và Công ty Xây dựng Quảng Nam TNHH MTV (khu dân cư phía tây đường An Hà – Quảng Phú) sang các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. Lý do là các nhà thầu đã không hợp tác, không hoàn trả lại số tiền tạm ứng hơn 10,866 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Ban quản lý này cũng đề nghị UBND tỉnh xóa nợ 166 triệu đồng của các đơn vị tư vấn tạm ứng để thực hiện công tác quy hoạch (khu tái định cư Tam Thanh 2, sử dụng đất đường ĐT 620 và xử lý nước thải khu công nghiệp Tam Hiệp) hiện đã giải thể. Các dự án còn lại, ban quản lý đã cam kết sẽ hoàn ứng hoặc thu hồi, nộp ngân sách nhà nước ngay trong quý III/2013.
TRỊNH DŨNG