Khó thu hồi nợ thuế

TRỊNH DŨNG 28/05/2018 10:13

Nợ thuế có dấu hiệu tăng trở lại, hiện chiếm trên 5%/tổng thu ngân sách. Mọi biện pháp đều có vẻ thiếu tính khả thi. Với số nợ kéo dài này thì mục tiêu giảm nợ thuế về dưới 5%/tổng thu ngân sách vào cuối năm nay, không hề là chuyện dễ dàng.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ thì cũng không dễ thu được nợ thuế (hình ảnh chỉ có tính minh họa).
Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ thì cũng không dễ thu được nợ thuế (hình ảnh chỉ có tính minh họa).

Nợ thuế tăng trở lại

Chuyện hai công ty khai thác và sản xuất vàng của Tập đoàn Besra nợ thuế đã không còn là vấn đề nan giải khi cơ quan thuế cho hay đã thu hồi gần như hoàn tất số thuế của tập đoàn này. Số nợ thuế thu được đã góp phần đưa tổng số thuế nợ đến cuối năm 2017 chỉ còn 780,76 tỷ đồng, giảm đến 123,98 tỷ đồng so cuối năm 2016; trong đó nợ có khả năng thu 294,95 tỷ đồng (37,7%/tổng nợ), nợ đang xử lý 27,59 tỷ đồng (3,5%/tổng nợ) và 458,21 tỷ đồng (58,5%/tổng nợ) thuộc nợ khó thu, đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, số nợ thuế có dấu hiệu tăng trở lại vào những tháng đầu năm 2018.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nợ đọng thuế khoảng 1.020 tỷ đồng, tăng gần 240 tỷ đồng so với ngày 31.12.2017. Số nợ khó thu chiếm đến 52,7%. Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết kinh tế phát triển, phát sinh thuế nhiều nhưng doanh nghiệp chưa có tiền nộp. Chưa quá 90 ngày thì không thể cưỡng chế doanh nghiệp được. Nợ thuế tăng trở lại chính là các loại nợ thuế thông thường này (trong thời hạn 90 ngày). Tuy nhiên, số nợ này cũng là điều đáng để lo lắng một khi doanh nghiệp để nợ nhiều quá, không khả năng chi trả sẽ dẫn đến nguy cơ nợ kéo dài, không thể xử lý được.

Nợ thuế khó thu hồi từ nhiều năm nay luôn được cơ quan thuế lý giải bằng những lý do cụ thể. Đó là hầu hết doanh nghiệp nợ thuế lớn, nợ bị truy thu, phạt khi thực hiện biện pháp cưỡng chế thì tài khoản ngân hàng không đủ tiền để cưỡng chế, tài sản đã thế chấp hoặc giá trị tài sản không lớn. Một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thua lỗ, thiếu hiệu quả còn nợ thuế đã ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh. Khá nhiều hộ gia đình, cá nhân nợ thuế nhà đất gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền nợ đã quá 10 năm, không thể thu hồi được, nhưng không thuộc trường hợp xóa nợ.

Nhiều hộ không nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức không nộp tiền sử dụng đất nhưng cơ quan thuế không thể áp dụng cưỡng chế thu nợ vì gia đình không giao dịch tài khoản ngân hàng, chỉ có thiết bị công cụ lao động và một nhà ở duy nhất. Không ít nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, cố tình lập hồ sơ thủ tục kéo dài dự án, chưa hoặc không thể xử lý thu hồi dự án nên thiếu cơ sở điều chỉnh nợ đọng tiền thuê, sử dụng đất. Một số dự án đã kết thúc đầu tư nhưng chưa được xử lý dứt điểm giữa quyền và nghĩa vụ đầu tư. Ông Nguyễn Việt Xuân nói không loại trừ cả việc phạt chậm thuế ít hơn lãi suất ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp để lại chịu nợ thuế. Chỉ tới khi cơ quan thuế ra lệnh cưỡng chế mới nộp. Nhiều doanh nghiệp để nợ thuế đến 90 ngày mới nộp. Việc này diễn ra thường xuyên mà theo luật dưới 90 ngày cơ quan thuế không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, nên tăng khoản nợ thuế loại này.

Nỗ lực giảm nợ

Thị trường và nền kinh tế chưa ổn định, biến động khó lường nên chắc chắn không thể không có nợ thuế xảy ra. Cơ quan thuế đã tiến hành đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin các doanh nghiệp chây ì nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế gắn trách nhiệm công chức thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế thuế... Tất cả phương thức này đã được thực hiện ngay từ đầu năm và liên tục, nhưng có vẻ như các định chế pháp luật thuế đã “bất lực” với việc nợ thuế dai dẳng của doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Sơn – chủ một xưởng cưa gỗ ở Duy Xuyên nói Luật Quản lý thuế với những quy định đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu, nộp thuế. Không dễ gì để các doanh nghiệp có thể chây ì. Người nộp thuế sẽ không thể làm như vậy được nếu cơ quan thuế, quản lý nhà nước… làm đúng thẩm quyền theo luật định. Không lẽ doanh nghiệp nộp thuế đúng lại “thiệt thòi” hơn những đối tượng chây ì, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp? Suy cho cùng nợ thuế hay chậm nộp cũng là cách chiếm dụng ngân sách nhà nước để quay vòng vốn. Nếu ai cũng vin vào “thời hạn 90 ngày cho phép”, không ai xử lý được thì chuyện doanh nghiệp lần lữa nộp thuế, chờ chính sách, chắc chắn sẽ còn mảnh đất để phát sinh, gây bất ổn cho ngân sách.

Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho hay nợ khó thu năm 2017 có giảm, nhưng không đáng kể. Hiện nợ thuế đang trên 5%/tổng thu ngân sách. Cơ quan thuế phấn đấu đưa tỷ lệ này về dưới 5%/tổng thu ngân sách vào cuối năm 2018. Phương thức hữu hiệu nhất phải kể đến là tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc nợ thuế còn trong thời hạn 90 ngày, nộp đúng, nộp đủ. Tiếp tục công bố danh sách doanh nghiệp có nợ thuế 30 ngày… Tuy nhiên, ông Xuân cũng cho rằng việc công bố trên mạng nợ thuế cũng không giải quyết được điều gì. “Doanh nghiệp tới mức bị cưỡng chế thuế mà họ không nộp nổi phần nhiều thuộc loại đang thực sự lâm vào khó khăn thì cũng không dễ gì thu được. Còn nợ khó thu thì vẫn để treo miết như vậy, không biết làm cách chi được. Chờ Quốc hội thôi!” - ông Xuân nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó thu hồi nợ thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO