Trái với sự suôn sẻ lúc mới bắt đầu bán xăng E5 đại trà để thay thế hoàn toàn xăng A92 vào tháng 1.2018, đến nay lộ trình dùng xăng E5 trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn bởi người tiêu dùng dè dặt lựa chọn mặt hàng này.
|
Người dân chưa mặn mà khi sử dụng xăng sinh học E5. (Ảnh có tính chất minh họa)Ảnh: VIỆT NGUYỄN |
Đắt hơn và ế hơn
Khảo sát một số cửa hàng bán xăng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, sau gần 3 tháng triển khai lộ trình bán xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng A92, người tiêu dùng chuộng sử dụng xăng A95 hơn xăng E5 dù cho giá đắt hơn gần 2 nghìn đồng/lít. Anh Vũ - nhân viên bán xăng ở Cửa hàng xăng dầu Tân Thạnh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, do lượng xăng E5 bán ra thấp nên cửa hàng đã có cơ chế khuyến khích nhân viên bán hàng mời gọi khách hàng dùng xăng E5. “Nếu lượng xăng E5 bán ra mỗi ngày nhiều hơn xăng A95 thì chúng tôi được thưởng. Chúng tôi thường mời khách hàng đổ xăng E5 nhưng kết quả còn hạn chế” - anh Vũ nói. Ông Phạm Chí Khánh - Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Tân Thạnh cho biết thêm, tỷ lệ bán xăng E5 hiện nay thấp hơn rất nhiều so với xăng A95, chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ. “Những khách hàng đổ xăng cho xe đời mới, cả ô tô lẫn xe gắn máy đều lựa chọn xăng A95. Khách hàng đi các xe đời cũ thường dùng xăng E5 hơn. Chúng tôi tuyên truyền cho người tiêu dùng sử dụng xăng E5 nhưng bán ít được” - ông Phạm Chí Khánh nói.
Mới đây, khi đề xuất cho bán trở lại xăng A92, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh cho rằng, xã hội đang lãng phí đến 400 tỷ đồng mỗi tháng khi thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5. Vì tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 ở mức quá thấp nên doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ nên cho “hồi sinh” xăng A92. Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, do sản lượng tiêu thụ xăng E5 quá thấp, hàng tồn kho kéo dài ngày nên tỷ lệ hao hụt ngày một cao hơn, nguy cơ thua lỗ hiển hiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Dũng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, trên địa bàn có 2 cây xăng hoạt động thì cả 2 đều bán xăng E5 song song với xăng A95. Người dân ngại dùng xăng E5 nên bắt buộc phải chọn xăng A95. Điều này là rất lãng phí bởi người dân miền núi khó khăn lại phải dùng xăng A95 có giá cao hơn xăng E5 đến gần 2 nghìn đồng/lít. Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, rất đáng lo ngại với tình trạng bán ế, chiết khấu thấp của xăng E5. Nhiều địa phương chỉ bán duy nhất xăng A95 khiến cho người tiêu dùng buộc phải sử dụng hàng hóa có giá cao.
Cần công bố quy chuẩn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại không nhiều huyện miền núi của tỉnh có bán xăng E5 như Nam Trà My, mà ở đây có nhiều cửa hàng chỉ bán duy nhất xăng A95. Ngoài nguyên nhân chiết khấu thấp, đa số doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ bốc hơi của xăng E5 quá cao, vận chuyển lại xa nên hao hụt sẽ khiến họ chịu thiệt. Trong khi đó, đã có không ít trường hợp xe đang chạy thì chết máy vì dùng xăng E5. Các địa bàn miền núi có đồi dốc lớn, khó di chuyển mà xăng E5 lại chưa chứng tỏ chất lượng nên người tiêu dùng “ngó lơ” xăng E5, bất đắc dĩ phải sử dụng xăng A95. Nhiều người dân miền núi cho rằng, nếu trên thị trường có xăng A92 vào thời điểm này thì họ sẽ dùng vì không phải lo xe bị chết máy khi đang đi qua địa hình dốc đèo mà lại tiết kiệm được 2 nghìn đồng/lít xăng. Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Chi nhánh Công ty Xăng dầu khu vực 5 - TNHH MTV tại Quảng Nam cho biết, đã có một bộ phận không nhỏ khách hàng lơ là xăng E5. Có 2 vấn đề mà khách hàng đặt ra là không ít người tiêu dùng vì nghe nói hay nhận thấy tình trạng xe chết máy vì dùng xăng E5 nên ngại sử dụng. Và nữa, khách hàng Quảng Nam còn thiếu tin tưởng xăng E5 nên người bán loại xăng này đang đối diện với cái khó về doanh thu.
Theo Sở Công Thương, đến thời điểm này, Bộ Công Thương chưa có yêu cầu báo cáo tình hình triển khai lộ trình thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 trên địa bàn tỉnh từ tháng 1.2018 đến nay. Tuy nhiên, có thể nhận diện một số vấn đề. Thứ nhất là xăng E5 pha trộn xăng A92 với 5% cồn sinh học, trong khi đó, giá cồn sản xuất trong nước quá đắt so với cồn thế giới, người tiêu dùng phải gánh lấy mức chênh lệch này nếu sử dụng xăng E5. Tại Quảng Nam nói riêng, toàn quốc nói chung, giá cồn sinh học đang “leo thang” do khan hiếm hàng hóa chắc chắn sẽ đẩy giá xăng E5 ngày một tăng cao khiến khách hàng băn khoăn. Thứ nữa, hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn dành cho xăng E5 nên khách hàng không biết dựa vào đâu để đối chứng, kiểm tra chất lượng xăng E5. “Điều cần kíp là Bộ Công Thương nên minh bạch bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng xăng E5 với các chỉ số chì, cồn, lưu huỳnh, olefin... để khẳng định chất lượng xăng E5, qua đó tuyên truyền mạnh mẽ để người tiêu dùng lựa chọn. Nhà nước đã có cơ chế khuyến khích dùng xăng E5 thì các công ty quốc doanh cũng nên tăng mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán hàng vì cồn có mức bay hơi cao, hao hụt nhiều là có thật” - ông Nguyễn Quang Lâm nói.
VIỆT NGUYỄN