Thu ngân sách tăng đột biến, nhưng nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ ngân sách trung ương sụt giảm, không biết dựa vào đâu để tìm kiếm thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển đang là nỗi lo của Quảng Nam.
Thu ngân sách tăng, vẫn khó
Có thể nhận thấy tốc độ phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế từ chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng đến 24% so với năm trước và con số thu ngân sách tăng đột biến trong năm nay. Theo Sở Tài chính, thu ngân sách hiện đã đạt gần 16.036 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ năm trước, gần bằng 116% dự toán năm. Thu nội địa gần chạm con số 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 48% so với cùng kỳ, gần bằng 124% dự toán năm. Sức đóng góp của khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng hơn 30% so cùng kỳ và vượt gần 170% dự toán năm. Nhập khẩu thiết bị, phụ tùng ô tô tăng mạnh đã đưa thu xuất nhập khẩu đạt 106% dự toán năm, tăng 31% so cùng kỳ. Những thống kê này cho thấy đã vượt xa tỷ lệ tăng thu dự báo ngay từ đầu năm là 15 - 20% và đây không phải là con số cuối cùng khi còn đến 2 tháng nữa để chốt sổ thu thuế.
Cơ cấu đầu tư hợp lý là nhiệm vụ số 1 để tìm vốn cho đầu tư phát triển. (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, các con số tăng trưởng kể trên vẫn chưa thể phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, sản xuất công nghiệp chỉ tăng ở nhóm sản xuất ô tô, sản phẩm từ phi khoáng kim loại, sản xuất đồ uống, kim loại đúc sẵn. Còn lại các ngành khác đều giảm, nhất là nhóm sản xuất giường, tủ, bàn ghế, chế biến thực phẩm và chíp điện tử. Nguyên nhân được tính đến là số lượng hợp đồng xuất khẩu giảm, một số thị trường truyền thống đang gặp khó khăn. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến dù tính chung tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ số tiêu thụ ngành này lại giảm gần 13% so với tháng trước và khó có thể dự liệu con số này có tăng trở lại hay vẫn tiếp tục giảm.
Tốc độ giải ngân cũng không khá hơn. Bất chấp nhiều văn bản, chỉ thị yêu cầu gia tăng tỷ lệ giải ngân ban hành, nhưng tốc độ giải ngân vốn đầu tư không có dấu hiệu thay đổi đáng kể. Tính đến ngày 20.10.2016, tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt 62% kế hoạch, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Khó có thể giải ngân hết số vốn đầu tư khi chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc tài khóa 2016.
Ngay cả thu ngân sách cũng cho thấy độ lệch chiều và sự thiếu bền vững của ngân sách. Các cơ quan tài chính chưa có một phân tích cụ thể nào để biết bao nhiêu phần trăm số thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân hay doanh nghiệp nộp) trên tổng số ngân sách nội địa đã thu được so với số thuế gián thu (doanh nghiệp nộp thay cho người tiêu dùng). Ông Lương Đình Đường - Phó cục trưởng Cục Thuế cho rằng cần vẽ bức tranh thu ngân sách sâu hơn. Quan trọng nhất là các sắc thuế trực thu như thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp để có thể đánh giá sức khỏe doanh nghiệp có lớn mạnh hay không và đây chính là độ bền của thu ngân sách. Hiện tỷ trọng lớn nhất vẫn là thuế tiêu thụ đặc biệt từ ô tô du lịch. Số còn lại không nhiều. Xu hướng thuế tiêu thụ đặc biệt hay gián thu sẽ giảm nên cần quan tâm đến thuế trực thu.
Nguồn lực hạn hẹp
Gần như tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu bức thiết để đầu tư phát triển nhưng nguồn lực hạn hẹp. Khó khăn này tiếp tục bị “dội gáo nước lạnh“ khi UBND tỉnh thông báo nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ trung ương năm 2017 đã bị cắt giảm khá nhiều. Theo UBND tỉnh, địa phương đã báo cáo các bộ, ngành trung ương thẩm định nguồn vốn kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách trung ương năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch dự kiến giao của trung ương về hỗ trợ các chương trình mục tiêu giảm rất nhiều so với kế hoạch của tỉnh đề nghị. Trung ương chủ yếu chỉ bố trí nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, đối ứng các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài. Trung ương không bố trí kế hoạch vốn ngân sách năm 2017 cho các dự án chuyển tiếp đến ngày 30.9.2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch, các dự án khởi công mới (trừ các dự án khởi công mới thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng các chương trình dự án ODA, dự án đầu tư theo hình thức PPP).
Chưa hết, theo số liệu báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư trong kế hoạch trung hạn (2016 - 2020) trên địa bàn Quảng Nam về vốn trong nước và nước ngoài giảm gần 27% so với thông báo kiểm tra kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ KH&ĐT. Vốn hỗ trợ chỉ khoảng 9.100/12.396 tỷ đồng. Nguồn vốn này quá nhỏ so với yêu cầu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5%/năm của Quảng Nam phải cần từ 130.000 tỷ đồng đến 135.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, điều này sẽ gây khó khăn trong việc triển khai đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn Quảng Nam. Cách duy nhất là phân bổ các khoản chi ngân sách hiệu quả, tái cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang đầu tư phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương chuẩn bị tốt việc giao kế hoạch kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, sau khi HĐND tỉnh thông qua để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2017. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách được giao. Tăng trưởng kinh tế hay tăng thu ngân sách cao đều do sự đóng góp của doanh nghiệp. Ưu tiên số 1 hiện tại vẫn là việc hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất. Tất cả dự án, công trình đầu tư công, tư đều phải được gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, nhanh chóng hoàn thành tiến độ và chất lượng công trình.
TRỊNH DŨNG