Bùng nổ làn sóng đầu tư vào Đà Nẵng, cộng hưởng việc ban hành giá đất mới 2019 và sự đầu cơ, trục lợi đã đẩy giá nhà đất Đà Nẵng tăng vọt gấp 3 - 4 lần khiến hàng chục doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) lo sốt vó…
Một góc Khu đô thị Đất Quảng Green City. |
Kẻ cười, người khóc
Trưa 8.3, chạy xe máy dọc đường Dũng sĩ Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), tôi nhẩm đếm đến 49 ki ốt có chữ “land” phía sau chen nhau quanh khu biệt thự Bồng Lai. Còn nhớ, 10 năm trước (năm 2009) chủ đầu tư của những căn biệt thự có giá triệu đô này (còn gọi khu đô thị số 6) từng được lãnh đạo tỉnh khen là dự án đầu tiên có sản phẩm đặc sắc. Không ngờ, nó “chết yểu” vì… thiếu tiền. Hàng loạt tranh chấp, kiện tụng kéo dài liên quan đến chủ đầu tư nợ ngân hàng, khách hàng ngót 1.000 tỷ đồng. Bây giờ, chủ nhân mới là Tập đoàn Homeland (Homeland Group), dự án đổi thành “Homeland Paradise Village”, tổng diện tích 31,43ha, tổng vốn đầu tư lên đến 4.250 tỷ đồng, chính thức xuất hiện trên thị trường bất động sản (BĐS) đầu Xuân Kỷ Hợi 2019.
Theo Quyết định 20/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam, tại thị xã Điện Bàn, giá đất cao nhất gần 8,7 triệu/m2 khu vực bãi tắm Hà My nhưng giá thị trường nay đã tăng từ 2 - 3 lần. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực cho vay bất động sản kể, từ 1.1.2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn,… và nâng hệ số rủi ro trong các khoản nợ bất động sản lên đến 250%. Vì thế DN kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn tài chính trong thời gian tới, nhất là các DN đang có nhiều quỹ đất mà hồ sơ pháp lý còn dở dang. |
Tập đoàn Homeland là chủ đầu tư mới nổi với nhiều dự án “khủng” đang triển khai như: dự án Homeland Central Park quy mô 46ha tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng); hay dự án Homeland Blue House gần kề Homeland Paradise Village, quy mô 11,2ha, với 636 sản phẩm có diện tích đa dạng từ 80 - 125m2/căn hộ; có đầy đủ quyết định quy hoạch và sử dụng đất, quyết định quy hoạch 1/500; cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh 90%; dự định mở bán trong tháng 4 tới nhưng nay khách hàng đã đăng ký mua gần hết...
Trong khi đó, giám đốc một công ty có hơn 10 năm đầu tư trên 40ha tại đô thị mới cho rằng, cả 2 năm 2017 - 2018 doanh nghiệp (DN) này không bán được một mét vuông đất nào, dù đã bồi thường giải tỏa, hoàn chỉnh hạ tầng 32ha, có đủ cơ sở pháp lý rõ ràng. Khi “ôm quỹ đất”, DN đau đáu lo chuyện bồi thường giải tỏa, giá đất tăng theo cấp số nhân còn DN phải đi mặc cả với người dân bị giải tỏa từng đồng, đồng thời lo trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi hơn 50 tỷ đồng. Năm 2019 này, mong cơn sốt đất lắng xuống để nhà đầu tư đủ sức chạy đua đường dài…
Khổ vì dự án dở dang
Hai mươi năm trước, Quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 1999) nhằm hình thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, GD-ĐT, du lịch và nghỉ dưỡng cùng chuỗi đô thị miền Trung “Lăng Cô - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An”… Thực tế, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã thu hút hơn 90 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tạo nên cơ sở hạ tầng đô thị khang trang, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ, góp phần thay đổi cả vùng đông thị xã Điện Bàn.
Lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn chủ trì cuộc họp chiều 8.3 báo cáo vướng mắc của 7 dự án căn bản hoàn thành trong Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. |
Tuy nhiên, để thực hiện dự án đô thị mới này, theo phương châm “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”, từ năm 2003 đến nay đã có 1.123ha đất được giao cho các DN đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khu tái định cư cho hơn 6.000 hộ dân, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn… với tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách đến cuối năm 2017 chỉ có 150 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, sau khi tỉnh có chủ trương giao Ban Quản lý phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho UBND thị xã Điện Bàn quản lý, kiểm tra 79 dự án đầu tư trong đô thị mới, chỉ có 2 dự án hoàn thành, 7 dự án cơ bản hoàn thành đang chờ nghiệm thu và 40 dự án khác buộc phải dừng để điều chỉnh Quy hoạch chung Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Đại diện Công ty CP Xây dựng công trình 545 phản ảnh, DN khởi công khu đô thị số 1B trong năm 2003, quy mô 32ha, hoàn thành năm 2003, báo cáo Sở Xây dựng Quảng Nam 5 - 7 lần, gần nhất là năm 2017 Sở Xây dựng có ra kiểm tra đến nay DN vẫn chưa được quyết toán, bàn giao dự án. Trong quá trình chờ quyết toán, bàn giao, công trình dần xuống cấp, tủ điện mất, cáp điện ngầm liên tục mất trộm, DN phải bỏ tiền mua sắm, khắc phục 3 lần mà vẫn phấp phỏng âu lo.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Đất Quảng cho hay, 2 dự án: Khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang (10ha) và Đất Quảng Green City (16ha) do Đất Quảng làm chủ đầu tư đã xây dựng hoàn thành năm 2016, hai năm nay cũng chưa được quyết toán, bàn giao. Cho nên, tình trạng mất cắp vật liệu, cáp điện thường xuyên xảy ra.
Lãnh đạo Công ty Vinaconex 25 cho biết, khu đô thị số 3, quy mô 34,5ha, tổng mức đầu tư gần 272 tỷ đồng. Trong đó, công ty chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 28 tỷ đồng, bố trí 30 lô tái định cư, chỉ còn 1 lô đất tái định cư chờ phê duyệt. Đáng kể, công ty nộp đủ tiền sử dụng đất 20,5 tỷ đồng và hoàn thành dự án khai thác quỹ đất khớp nối giữa khu đô thị - Đông Á với tổng mức đầu tư 20,4 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành 2 dự án trên, đã xảy ra tình trạng đào trộm cây xanh, lấy cắp trụ điện trang trí… Vào ban đêm xảy ra việc xe tải của các tổ chức, cá nhân bên ngoài vận chuyển rác thải, vật liệu xây dựng đổ vào dự án; nhiều xe tải ngang nhiên chạy lên vỉa hè làm hư hỏng gạch lát vỉa hè. Mặc dù, công ty đã thuê bảo vệ để hạn chế tình trạng trộm cắp, phá hoại trên nhưng vẫn không ngăn chặn được.
Tháo thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp
Trong lần gặp gỡ các DN mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chia sẻ khó khăn với các DN bất động sản trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý của dự án. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nói riêng. Mới đây tỉnh đã quyết định thành lập Tổ rà soát các dự án hoàn thành trên địa bàn.
Hiện các DN chưa được hướng dẫn công tác bàn giao dự án trên địa bàn. Trong đó, có quy trình tiếp nhận, bàn giao hệ thống cấp nước nên các chủ đầu tư rất lúng túng. Hay như vướng mắc trong chi trả tiền thưởng và hỗ trợ vào nơi ở mới cho các hộ dân tại dự án. Việc quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng nhiêu khê, phức tạp do hồ sơ quyết toán kéo dài nhiều năm nên việc kiểm tra, rà soát hồ sơ mất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều nhân lực. Vừa qua Công ty Vinaconex 25 đã có văn bản mời Sở Xây dựng Quảng Nam đi kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở để bàn giao khu đô thị số 3 và dự án Vệt khớp nối Đông Á nhưng Sở Xây dựng chưa bố trí lịch được, do thiếu các thủ tục nêu trên. Chính những điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao dự án hoàn thành cho cơ quan quản lý nhà nước trước ngày 30.6.2019 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
VĂN SANH