(QNO) - Dù người dân khối phố 2A, phường Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn) liên tục kiến nghị việc mương thoát nước trên địa bàn bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối suốt nhiều năm nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa giải quyết rốt ráo.
Suốt thời gian dài, gia đình ông Trần Văn D. (khối phố 2A) phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ mương nước đen kịt chảy ngang trước nhà. Ông D. cho biết, tình trạng mương thoát nước ô nhiễm, bốc mùi hôi thối đã xảy ra hơn 10 năm nay. Những năm gần đây, mức độ hôi thối ngày càng tăng, bốc mùi hôi cả ngày lẫn đêm.
Là tuyến mương đất nên vào mùa hè nước chảy chậm, lượng chất thải rắn đọng lại khắp mương. Còn mùa mưa, mùi hôi có giảm bớt nhưng ở khu vực cuối mương, nước thải màu đen lẫn chất bẩn tràn ra, chảy lênh láng đồng ruộng.
“Mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của hàng chục hộ dân khối phố 2A sống dọc theo tuyến mương. Ăn uống, nghỉ ngơi mỗi ngày chẳng thể an yên được. Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn phản ánh lên chính quyền, kiến nghị trong các đợt tiếp xúc cử tri nhưng chưa thấy đơn vị chức năng xử lý” - ông D. nói.
Người dân còn cho hay, từ khi mương ô nhiễm, nước giếng bơm lên có màu vàng, mùi hôi và đóng phèn. Lo lắng nước nhiễm bẩn, người dân chỉ dùng nước giếng để tắm rửa, giặt giũ. Còn khi ăn uống họ phải dùng nước từ máy lọc hoặc các loại nước đóng chai.
Theo người dân khối phố 2A, nguyên nhân mương thoát nước hôi thối là do nước thải sinh hoạt gia đình, nước thải của các hàng quán rò rỉ từ hệ thống thoát nước của tuyến ĐT607. Trong đó, nguyên nhân chính là từ ao nuôi cá của một hộ dân địa phương xả thải trực tiếp ra mương nhưng không qua xử lý.
Ông Lê Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn kiểm tra và lên kế hoạch xử lý việc mương thoát nước gây ô nhiễm.
Theo ông Tuấn, mương thoát nước nói trên dài 800m, nhưng ô nhiễm và bốc mùi hôi nặng là khoảng 200m từ đường ĐT607 về đến cuối mương. Thời gian qua, phường đã kiến nghị lên cấp trên để xem xét phương án khắc phục tình trạng rò rỉ của hệ thống thoát nước tuyến ĐT607. Đồng thời yêu cầu các hàng quán, các hộ dân viết cam kết không xả thải ra mương.
Còn đối với trường hợp một hộ dân nuôi cá có xả thải ra môi trường, phường đã phân công cán bộ kiểm tra và làm việc. Cụ thể, hộ này hiện nuôi cá trong hồ với diện tích 20m2. Nước thải nuôi cá có qua nhiều khâu xử lý. Nhưng vấn đề nguồn nước khi thải ra môi trường có đảm bảo hay không thì phường sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng liên quan lấy mẫu xét nghiệm mới biết kết quả.
“Trong năm 2018, UBND phường đã tổ chức họp dân và thống nhất phương án khơi thông dòng chảy. Theo đó, các hộ dân sẽ phá các bờ tre dọc theo tuyến mương và phường sẽ thuê xe múc thực hiện. Tuy nhiên, sau đó các hộ dân lại không chịu phá bờ tre. Điều này làm phương án bị ngưng lại và đến nay chưa thể tiến hành” - ông Tuấn cho hay.
Hiện phường Điện Nam Bắc đã đề xuất phương án làm cống hộp bê tông thay thế mương đất hiện tại. Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn cũng đã khảo sát thực địa để làm hồ sơ kiến nghị lên UBND tỉnh xin kinh phí thực hiện.