Một nữ phóng viên họ Lệnh của Đài phát thanh Phụ Dương ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã bị sa thải hôm 16.11, sau khi đăng những bức ảnh “tự sướng” (selfie) trên tài khoản Weibo. Những bức ảnh này được cô chụp ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc với ít nhất 18 người chết, 21 người bị thương. Bản tin của tờ South China Morning Post cho hay với nét mặt tươi vui, một tay giơ thẻ tác nghiệp còn tay kia làm dấu hiệu V (Victory, chiến thắng) mà “hậu cảnh” là những chiếc ô tô cháy rụi sau vụ tông nhau do sương mù dày đặc, cô phóng viên này đã bị dư luận địa phương phản ứng quyết liệt. Vậy là (tự) “sướng” chưa được bao lâu, cô họ Lệnh đã “khổ”. Quyết định sa thải của nhà đài ghi rõ nguyên do không chấp nhận cô này nữa “vì thái độ không thích đáng gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Chụp ảnh selfie không phải là chuyện mới mẻ gì. Hệ lụy của selfie cũng được nhiều người nhắc đến. Nhưng selfie đã và sẽ là thú vui của người sử dụng mạng xã hội. Gõ chữ “selfie” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ 0,44 giây đã cho ra 940 triệu kết quả. Cụm từ “ảnh tự sướng” ít hơn, nhưng cũng cho 1,98 triệu kết quả trong vòng 0,41 giây. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia còn có mục riêng về selfie, diễn giải đầy đủ “nội hàm” từ vựng lẫn lịch sử, từ nguyên của selfie.
Người ta tạm “ghi nhận” thuật ngữ selfie xuất hiện lần đầu vào tháng 9.2002, lúc đó trên một diễn đàn mạng ở Úc có người đàn ông say rượu trượt cầu thang rách môi đã… tự chụp hình ảnh của chính mình sau vụ tai nạn đăng lên diễn đàn. Và dù chuyện tự chụp ảnh chân dung đã có khoảng từ nửa đầu thế kỷ 19 khi Robert Cornelius chụp ảnh của mình bên ngoài cửa hàng gia đình ở Philadelphia (Mỹ), theo Wikipedia, nhưng phải kể từ lúc gã đàn ông té cầu thang rách môi ở Úc “tự sướng” thì hành vi này mới chính thức trở thành trào lưu. Đến năm 2013, Ban biên tập Oxford English Dictionary của NXB Oxford University Press (Anh) đã bình chọn “selfie” là từ khóa của năm (Word of the Year). Selfie “lên đỉnh” kể từ đó.
Nhưng không phải ai selfie cũng đúng mực. Hồi đầu tháng 3 năm nay, bà phó giám đốc Sở Tư pháp ở Bình Thuận hứng chịu nhiều chỉ trích trên mạng xã hội, khi bà này được xác định đã bẻ một cành hoa anh đào Đà Lạt để chụp ảnh, sau đó phải xin lỗi công khai. Ở nước ngoài, hồi tháng 5, tờ Daily Mail đưa tin bà Marla Maples, vợ cũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chụp ảnh tự sướng cùng nhiều người khác ngay hiện trường vụ xe hơi đâm vào khách bộ hành tại quảng trường Thời đại. Bà Marla Maples bị chê trách vì chụp ảnh kiểu như vậy tại nơi vẫn còn thi thể của một nữ du khách 18 tuổi. Ở Việt Nam, dân mạng thi thoảng “khai quật” và chia sẻ lại clip ghi cảnh nhóm thanh niên, trong đó có cả cô gái trẻ quấn khăn tang, cao hứng hát hò nhảy nhót trước quan tài của người thân (với dàn nhạc đệm). Các lời bình luận kèm theo clip này còn chua chát hơn khi nhắc đến tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, bởi hạnh-phúc-của-một-tang-gia ở nhà cụ cố Hồng xem ra không thể “cạnh tranh” nổi với hoạt cảnh từ những bạn trẻ này.
*
* *
Hôm 17.11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đăng đàn trả lời đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan, trong đó mạng xã hội là một nội dung gây chú ý. Khoảng 53 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet và mạng xã hội Facebook là một số lượng không hề nhỏ, đặt ra cho cơ quan quản lý nhiều vấn đề về kiểm soát thông tin. Báo chí chính thống đôi khi cũng phải vất vả lao theo các dòng tin tức trên các trang cá nhân. Những status (dòng trạng thái) quẳng lên mạng, hoặc “ném đá” hoặc bôi nhọ, cũng có thể được hiểu là một dạng “tự sướng”, thỏa mãn nhu cầu của cá nhân. Cơ quan quản lý gọi đó là nguồn “năng lượng đen”, “năng lượng xấu” và trên thực tế đã có một vài người ở Việt Nam đã tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.
Mạng ảo nhưng lại tác động thật đến đời thường. (Tự) sướng là quyền cá nhân, có điều không nên gây tác động xấu đến cộng đồng. Chưa có quy chuẩn cụ thể lập ra dành cho người “tự sướng” khi sử dụng mạng xã hội, nhưng trách nhiệm xã hội buộc mỗi cá nhân phải tự kiểm soát, ít nhất cũng phải tự điều chỉnh trước các vấn đề đạo đức. Học cách Tôn Ngộ Không vung gậy Như Ý niệm chú vẽ vòng tròn ngăn yêu quái để bảo vệ sư phụ Đường Tam Tạng, đã đến lúc người dùng mạng ảo cần tự “khoanh vùng” chính mình nếu cảm thấy chưa thật tự tin khi bước chân vào mạng ảo…
Mạng ảo không có giới hạn, nhưng người xài mạng ảo phải biết điểm dừng.
HỨA XUYÊN HUỲNH