Nhiều diện tích đất lâm phận thuộc dự án trồng rừng các chương trình 327, 661 bị xâm lấn, không phát triển thành rừng nhưng thời gian dài lực lượng chức năng lẫn chính quyền địa phương chậm xử lý, dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất lâm nghiệp.
Quản lý lỏng lẻo
Những năm trước đây, nhiều khu vực miền núi trong tỉnh xảy ra xung đột lợi ích kéo dài giữa các đơn vị, nông lâm trường quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp với người dân địa phương. Trong khi các đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất với diện tích khá lớn song lại bỏ hoang, quản lý lỏng lẻo khiến người dân xâm lấn trồng cây. Nóng bỏng nhất là trồng rừng theo dự án 327, 661 của Chính phủ trước đây. Phần lớn các địa phương có diện tích rừng trồng dự án hiện sử dụng không đúng mục đích ban đầu theo hợp đồng khoán đã ký kết; nhiều diện tích đã qua nhiều kỳ khai thác và chủ dự án tiến hành trồng lại rừng. Các loại cây trồng của dự án với chức năng phòng hộ như sao đen, tếch, quế... hiện đã bị xóa sạch, thay vào đó người dân nhận đất để trồng keo nguyên liệu. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, do thời gian thực hiện dự án lâu, đã chuyển nhượng qua nhiều người; một số chủ dự án giải thể, chuyển đổi chức năng, hồ sơ dự án bị thất lạc... nên khi lập thủ tục thanh lý rừng trồng theo quy định, hầu hết địa phương đều không thực hiện được vì không xác định được nguồn vốn đầu tư, giá trị thiệt hại và không xác định được nguyên nhân rừng không thành rừng.
Ở các huyện miền núi, nhiều diện tích trồng rừng 327, 661 bị xâm lấn trái phép để trồng keo. TRONG ẢNH: Chặt cây mở rộng đất trồng rừng trái phép ở khu vực hồ Đông Tiển (xã Bình Trị, Thăng Bình) cách đây vài năm. Ảnh: T.H |
Vì thả nổi quản lý nên rừng trồng dự án tại nhiều địa phương đều bị xâm hại nghiêm trọng. Đơn cử năm 2016, lực lượng chức năng huyện Phước Sơn xác định tại địa bàn xã Phước Hiệp diện tích rừng trồng bị phá trái phép gần 17ha. Đây là khu vực được quy hoạch phần lớn diện tích cho rừng phòng hộ. Kiểm tra hiện trạng, cơ quan chức năng xác định rừng đang trồng các loại cây sao đen, quế theo các dự án 327, 661 nhưng kém hiệu quả. Khối lượng lâm sản thiệt hại bình quân 15m3/ha (gỗ nhỏ có đường kính 20 - 25cm). Theo chính quyền xã Phước Hiệp, tình trạng xâm hại rừng xảy ra trong thời gian dài, địa bàn nằm ở vùng giáp ranh với xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) xa xôi cách trở nên việc truy quét, phát hiện và đấu tranh không dễ dàng. Tương tự, rừng 661 ở vùng giáp ranh các huyện Phú Ninh - Núi Thành - Bắc Trà My thường xuyên bị xâm canh lấn rừng. Điển hình là vụ phá rừng tại tiểu khu 590 với diện tích 7,9ha; tại tiểu khu 591 với diện tích 1,9ha. Tương tự tại khoảnh 4, tiểu khu 609 (xã Tam Trà, Núi Thành), cơ quan chức năng khởi tố vụ án hủy hoại 1,3ha rừng có chức năng phòng hộ. Ngoài ra, tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương (thuộc xã Ma Cooih, huyện Đông Giang), nhiều hộ dân, nhóm hộ đã khai hoang trái phép với diện tích 78,5ha nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan bàn giao về địa phương.
Đề xuất hướng xử lý
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đất nương rẫy của người dân đan xen trong vùng giáp lâm phận được giao chưa có quy hoạch cụ thể. Một số ban quản lý rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó khăn trong tổ chức quản lý, sử dụng. Các khu vực giao khoán rừng chưa thống nhất với ranh giới truyền thống của thôn, do đó xảy ra tranh chấp, khiếu nại gây cản trở trong tuần tra bảo vệ rừng của nhóm hộ. Theo ông Lê Tự Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giải pháp tối ưu cần tính đến là quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, khu vực trồng cây dược liệu cho phù hợp và thông báo rộng rãi cho người dân biết, tránh tình trạng tác động làm ảnh hưởng đến khu vực giao khoán rừng. Thêm vào đó, triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ các loại giống trồng dưới tán rừng để người dân ổn định sinh kế, gắn bó rừng lâu dài hơn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 29.272ha rừng trồng theo dự án 327, 661. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp mới chỉ lập thủ tục thanh lý rừng trồng dự án 661 không có khả năng thành rừng trên địa bàn các huyện Núi Thành, Phú Ninh với diện tích gần 75ha. Việc giải quyết thanh lý rừng trồng không thành rừng tại 2 địa phương này thuận lợi do trong quá trình lập hồ sơ xin thanh lý đã tuân thủ đúng trình tự thủ tục hiện hành. Tuy nhiên, một số địa phương khác thì vẫn loay hoay thủ tục thanh lý loại rừng này. Đơn cử như huyện Phước Sơn, cách đây vài năm xin thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng thuộc dự án 327, 661 trên địa bàn huyện với tổng diện tích 1.581ha.
Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chính quyền địa phương đã không xây dựng được phương án thanh lý rừng trồng do hầu hết diện tích đề nghị thanh lý của UBND huyện thực tế là rừng trồng keo từ 1 đến 5 năm tuổi của nhân dân. Không xác định được tổng vốn đầu tư và giá trị thiệt hại do một số hồ sơ hư hỏng, một số diện tích rừng trồng đã qua nhiều kỳ khai thác và trồng lại. Mặt khác, hiện nay 2 chủ đầu tư dự án 327, 661 trước đây là Lâm trường Phước Hiệp và Lâm trường Phước Sơn đã giải thể, chuyển đổi chức năng hoạt động. Trong khi đó, quan điểm giải quyết của UBND tỉnh là giao UBND huyện Phước Sơn rà soát toàn bộ diện tích rừng trồng thuộc các dự án 327, 661 trên địa bàn huyện để đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp. Đối với những diện tích không thành rừng đã được quy hoạch rừng sản xuất thì lập hồ sơ thủ tục đề nghị chuyển đổi theo quy định để bố trí đất sản xuất cho nhân dân. Đối với các hộ dân đang trồng keo trên diện tích được giao khoán thì UBND huyện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân kiểm tra lại. Riêng những hộ dân mở rộng diện tích trồng keo ngoài vạch giao khoán với diện tích lớn thì thu hồi lại một phần để giao cho các hộ dân khác chưa có đất sản xuất.
TRẦN HỮU