Không ít chủ đầu tư nhà máy thủy điện, doanh nghiệp chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về trồng rừng thay thế (TRTT) nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài xử lý.
Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp Trung ương và tỉnh đã ký kết 29 hợp đồng ủy thác với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh để sản xuất kinh doanh thủy điện, nước sạch, dịch vụ du lịch theo Nghị định số 99/NĐ-CP về DVMTR năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh có 4 đơn vị chậm nộp tiền TRTT. Trong số đó, đáng chú ý, nợ tiền rừng nhiều nhất là Ban quản lý dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 còn nợ hơn 6 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam chủ đầu tư dự án đường vào trung tâm xã A Xan (Tây Giang) chậm nộp 652 triệu đồng. Dù hết hạn nộp vào cuối tháng 6.2017, nhưng Công ty CP Tài chính và phát triển năng lượng chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Tr’Hy vẫn chưa nộp tiền TRTT.
Đến thời điểm này, số tiền TRTT chưa giải ngân được lên đến hơn 57,4 tỷ đồng. Theo giải thích của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, chưa giải ngân là do UBND tỉnh vừa có văn bản phân bổ kế hoạch TRTT năm 2017 cho các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện trồng rừng. Hiện các chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng... Mặt khác chưa giải ngân thuộc các hạng mục trồng rừng 1 năm, chăm sóc khoanh nuôi do một số diện tích qua kiểm tra, nghiệm thu tỷ lệ cây sống đạt thấp. Ông Phạm Phú - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho rằng, vướng mắc do các văn bản hướng dẫn. Cụ thể: Nghị định số 157/NĐ-CP ngày 11.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, bảo vệ rừng thì người có hành vi vi phạm quy định của nhà nước về trồng lại rừng mới thay thế diện tích rừng được nhà nước cho phép chuyển sang mục đích khác mới bị xử phạt, nhưng lại không quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền TRTT. “Đối với các dự án đầu tư có chuyển đổi rừng, nếu chưa xây dựng được phương án TRTT thì chưa được khởi công nhằm tránh tình trạng như hiện nay nhiều chủ dự án viện cớ khó khăn trong kinh doanh xin nợ tiền TRTT, hoặc một số dự án đã bán lại cho các chủ đầu tư khác gây khó khăn cho việc thu tiền TRTT” - ông Phú đề nghị.
TRẦN NGUYỄN