Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh nhiều năm nay luôn bị xâm hại nghiêm trọng. Cuộc chiến giành lại nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây khá gian nan.
Vùng lõi khu bảo tồn qua địa phận xã Đắc Pre (Nam Giang) bị cày nát. |
Chưa ngã ngũ
Ngay tại vùng lõi của khu bảo tồn cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cũng đã bị các đối tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép tận thu. Theo cán bộ kiểm lâm của Khu BTTN Sông Thanh, sau tết dù kiểm lâm, các đoàn kiểm tra liên ngành đưa lực lượng vào truy quét, song thực tế vẫn chưa cải thiện được tình hình. “Vàng tặc” thì xem rừng núi là nhà, nơi kiếm sống tạm bợ trong khi ngành chức năng, cán bộ thực thi công vụ thì không thể có mặt thường xuyên để đẩy đuổi, phá hoại tài sản đối tượng. Mỗi ngày những gốc cổ thụ tiếp tục bị đánh bật nằm chỏng chơ, bao ngọn đồi rợp cây bị đào xới sâu hoắm. Dưới chân những ngọn đồi nham nhở là hàng loạt lán trại trá hình của các nhóm “vàng tặc”. Ở các khu vực Khe Cọp, Khe Nhớp, Khe Đẹp... (thuộc các xã Đắc Pre, Đắc Pring - huyện Nam Giang) khung cảnh hoang tàn, phơi bày trước mắt như bãi chiến trường. Những hố bùn lầy lội, dòng suối Ring cạnh đó nước đỏ lòm từ hệ lụy của tình trạng khai khoáng trái phép.
Xác định là “điểm nóng” nên ngay sau tết, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát đi thông điệp kêu gọi toàn ngành đưa quân vào đột nhập bất ngờ vùng lõi Khu BTTN Sông Thanh. Tại bìa rừng vùng đệm thì cấm người, phương tiện vào rừng trái phép. Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, những tháng đầu năm, công tác truy quét lâm sản, khoáng sản trái phép trên đất có rừng chủ yếu triển khai trong lâm phận thuộc Khu BTTN Sông Thanh. Theo đó, lực lượng đã đập phá 1 xe múc, phá hủy 17 máy nổ, 13 lán trại, 50 xăm ô tô và nhiều thiết bị, dụng cụ khai thác. Ngoài ra, còn đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi rừng. Thực tế, tình trạng người dân bản địa khan hiếm tư liệu sản xuất, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững đã xâm hại rừng, săn bắt động vật quý hiếm đang ngày càng gióng lên hồi chuông báo động. “Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện còn bất cập. Đến nay, Khu BTTN Sông Thanh chưa cắm mốc được ranh giới bảo tồn và ranh giới các phân khu chức năng ở ngoài thực địa. Chính vì thế, các phân khu chưa được bảo vệ hiệu quả và chưa tìm được “tiếng nói chung” trong khâu giữ rừng giữa Ban quản lý Khu BTTN Sông Thanh và chính quyền các huyện Phước Sơn, Nam Giang” - ông Tuấn khẳng định.
Một nguyên nhân khách quan khác, theo ngành chức năng, với hơn 70km đường Hồ Chí Minh chạy theo chiều dài của khu bảo tồn và xuyên qua vùng lõi của phần lớn diện tích rừng thuộc xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn), cũng như hơn 50km đường 14D sang nước bạn Lào chạy qua ranh giới khu bảo tồn, đã mở đường thoát hiểm cho các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Cần phối hợp nhịp nhàng
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - ông Đặng Đình Nguyên nói, vùng lõi khu bảo tồn đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi “ngôi nhà chung” - rừng cây cổ thụ bị tàn phá thì thế giới động vật sẽ di chuyển đến vùng khác sinh sống, hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bất hợp lý ở chỗ, đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình điều tra cơ bản về danh mục động thực vật, làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu khoa học bài bản. Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, có trách nhiệm bảo tồn rừng đặc dụng, nhưng thực tế kiểm lâm mới chỉ đảm trách được công tác bảo vệ rừng, chứ chưa thể bảo tồn được. Tình trạng thiếu hụt cán bộ làm công tác bảo tồn, nghiên cứu đang là thách thức. Theo quy định, vùng đệm không được giao cho ban quản lý rừng đặc dụng, mà do chính quyền địa phương quản lý. Theo ông Nguyên, nếu chính quyền chỉ lo đến lợi ích cục bộ địa phương mà bỏ quên rừng thì rừng sẽ nghèo đi. Ngược lại, nếu ban quản lý rừng đặc dụng thiếu quan tâm hỗ trợ cho vùng đệm thì đương nhiên vùng đệm sẽ mất đi chức năng hỗ trợ cho vùng lõi. “Do vậy giữa chính quyền Nam Giang, Phước Sơn và ngành kiểm lâm cần phải phối hợp nhịp nhàng, đưa hệ thống chính trị vào cuộc quyết tâm giữ rừng. Phải nghiên cứu, điều tra lại tài nguyên thực chất, sự hiện hữu của các loài động thực vật thì mới có cơ sở bảo tồn tốt ” – ông Nguyên đề nghị.
Nhiệm vụ công tác của ngành kiểm lâm năm 2014 là tiếp tục tăng cường các biện pháp kỷ luật, khóa chặt các cửa ngõ vào rừng, đặc biệt Khu BTTN Sông Thanh; phối hợp với Ban Dân tộc, Hội Nông dân tỉnh tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã ở các huyện miền núi; đưa nội dung quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học lồng ghép vào các buổi họp dân. Hướng dẫn các chủ rừng là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn viên thanh niên trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, quy ước bảo vệ rừng. Tổ chức ký cam kết với các nhà hàng và các hộ dân không săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng.
TRẦN HỮU