Miền quê nghèo xứ Quảng từng nuôi tôi khôn lớn từ nắm khoai chà, từ niêu cơm tấm… Để bây giờ có dịp trở về, lòng lại nhớ khôn nguôi, thèm lắm món ăn thuở còn “đói cơm, lạt muối”…
Khoai chà, món ăn dân dã xứ Quảng. Ảnh: FB Người Quảng Nam |
Khoai chà, dường như là thứ quà quê ấy trở thành một hoài niệm cho những ai từng gắn bó. Nhắc đến nó, người ta như sống lại những ngày tháng gian khó, những mùa thiếu thốn giáp hạt. Khoai lang được trồng khắp các cánh đồng, người dân đào về, đổ thành từng đống. Để rồi sau ngày đó, khoai độn cơm, khoai xắt lát phơi khô, khoai lang ngào đường, bánh khoai nướng… Và đặc biệt là khoai chà chẳng mấy chốc trở nên quen thuộc trong từng bữa ăn của lũ trẻ chúng tôi ngày ấy.
Để làm khoai chà ngon không khó, chỉ khó ở công đoạn lựa chọn, sao cho củ khoai vừa tròn, mập mạp lại vừa thơm, ngọt. Vì đây là công đoạn quyết định chất lượng của món ăn. Sau khi chọn được những củ khoai vừa ý, mẹ rửa thật sạch, cho vào nồi, nấu đến khi chín. Để khoai thật nguội, mẹ đem ra giã nhuyễn trong chiếc cối giã gạo, rồi chà trên rỗ thưa có chiếc nong bên dưới. Có lẽ, chính động tác này đã tạo nên tên gọi cho món ăn. Công đoạn cuối cùng là mang bột khoai đi phơi nắng. Khoảng chừng 2 nắng thì khoai bắt đầu se lại, mẹ tiếp tục dùng rỗ, kiên nhẫn chà đến khi nào thấy khoai tơi, mịn thì cho vào bao, gói ghém cẩn thận, chuẩn bị cho những bữa ăn lâu dài.
Khoai chà có thể ăn ngay, hoặc có thể pha thêm một lượng nước ấm, chờ vài phút, khoai nở ra rồi mới ăn, có người lại thích cho thêm ít đường và đậu phụng rang giã nhỏ thì có thể ăn đến khi no căng bụng.
Khoai chà là lương thực dự trữ lâu ngày cho người dân quê tôi và cũng là món quà quê, là hành trang không thể thiếu của chúng tôi mỗi khi rời xa quê nhà đi trọ học. Nó như nhắc chúng tôi luôn nhớ về một miền quê khó nghèo, nhưng vô cùng thanh bình, nhớ về những chái bếp in dáng mẹ tần tảo bên bếp than hồng, và hơn hết, nó như một niềm tự hào của chúng tôi khi giới thiệu với bạn bè về một món ăn đã trở thành đặc sản của người Quảng Nam quê tôi…
KIỀU LY