(QNO) - Món khoai dẻo với những lát khoai vàng, dẻo dẻo, dai dai, thơm mùi khoai, mùi nắng có lẽ là món ăn rất quen thuộc với những đứa trẻ ngày xưa.
Ngày nay, món ăn này dần trở nên xa lạ. Để khơi lại tuổi thơ của những đứa trẻ nghèo khó, ngậm khoai thay kẹo, chị Huỳnh Thị Thuận (SN 1985, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) làm lại món ăn dân dã này và sản xuất với số lượng nhiều để bán ra thị trường.
Để làm được món khoai dẻo phải chọn loại khoai lang ngọt, ruột vàng, ít bở. Sau nhiều lần thất bại với giống khoai lang tại địa phương, chị Thuận tìm đến loại khoai lang Đà Lạt với màu vàng đẹp mắt.
Sau khi mua khoai lang về, phải để 7 đến 10 ngày cho rút hết mủ thì mới có được màu vàng trong. Sau đó gọt vỏ, rửa nhiều lần trước khi nấu. Phải mất hơn 6 giờ đồng hồ nấu trên bếp củi lửa to thì khoai mới chín đều và thơm ngon.
Khoai được để nguội dần và bắt tay vào công đoạn chẻ khoai. Bà Trương Thị Ánh (63 tuổi) - mẹ chị Thuận chia sẻ, để có lát khoai đều và đẹp, phải chọn những củ khoai với kích thước đều nhau, mỗi củ sẽ chẻ được 5 - 6 lát. Dao phải đưa thật nhẹ, uốn theo độ cong của củ khoai. Lát khoai được cẩn thận xếp vào vỉ lưới trước khi đem phơi.
Để đảm bảo vệ sinh và lấy được ánh nắng tốt nhất, những vỉ khoai được phơi trên giàn cao, đồng thời đảo mặt nhiều lần để khoai khô thật đều. “Khoai phơi ít nhất 6 ngày dưới ánh nắng thật to thì mới đạt chất lượng tốt nhất, có mùi thơm bùi của vị khoai và nắng, có màu trong, dẻo và dai” - bà Ánh chia sẻ.
Khoai dẻo khô được đóng gói, dán nhãn trước khi bán ra thị trường. Dù là một món ăn dân dã ngày xưa nhưng được mọi người rất yêu thích vì đã gợi nhớ tuổi thơ gian khó, hơn nữa là một món ăn an toàn, vệ sinh.
Hiện món khoai dẻo của chị Thuận bán đi khắp nơi, từ Hiệp Đức đến Tam Kỳ, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và theo chân những người con xa quê sang tận nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Mỗi tháng, gần 200kg khoai dẻo được bán ra thị trường.
Quá trình làm nên món khoai dẻo: