Đi tìm người Tam Kỳ qua câu hát “Cho dù ông Ký, ông Cai/ Ăn cơm no bụng thấy khoai cũng thèm” thật quá đỗi dễ dàng. Hễ ông nào mà ăn sắn thì chắc bắp là dân Tam Kỳ! Bởi vì ở Tam Kỳ (và một số vùng phụ cận) là nơi thăng hạng cho sắn - một nông sản tầm thường, lên hàng đặc sản để thèm cho những người no đủ: khoai xiêm.
Thời gian khó, nhà nào ở Tam Kỳ vườn còn mảnh đất trống cũng tranh thủ trồng vài hàng khoai xiêm cứu đói. Vườn nhà tôi cũng vậy, lúc nào cũng có mấy hàng khoai xanh tốt. Ăn tết xong, khi người trong xóm đạp xe lên vùng trên mua choái(*), tiện thể ba tôi gửi mua giùm. Có được choái tốt, ông cưa ra thành nhiều hom nhỏ, mỗi hom độ nửa gang tay người lớn. Hình ảnh một ông giáo làng mặc quần đùi, áo may ô ngồi dưới bóng cây, đặt ngửa lưỡi cưa lên trời, hì hục kéo mạnh, dứt dạt thân cây sắn rời từng khúc hom làm tôi thương nhớ mãi! Trồng khoai xiêm, phân bón không cầu kỳ. Chỉ ít rác lá cây vườn và một ít tro bếp là ba tôi đã đánh luống lên hàng. Không cần chăm sóc cây khoai vẫn xanh tốt không khác chi tuổi thơ chúng tôi ngày ấy. Đến hè, khi cây khoai đã cao quá đầu thì dưới bóng râm giữa các hàng khoai là nơi để bọn trẻ con chúng tôi bày trò chơi trốn nắng. Thuở ấy, chúng tôi hay lấy cọng lá khoai làm mũ, làm dây chuyền, hoa tai… Bọn con trai cởi trần trùng trục, xắn quần đùi lên hai bên hông, “đội mũ đóng khố” còn bọn con gái thì tai đeo hoa tai, cổ quấn dây chuyền, trông cả bọn như những “quan lang, mệ nàng” thời vua Hùng như hình vẽ thấy in ở trang quốc sử.
Đến kỳ khoai có thể ăn được, mẹ tôi ra vườn bươi đất, bẻ những củ lớn đủ ghế cơm trong ngày, chừa cây lại nuôi lớn những củ nhỏ cho ngày sau. Đến đầu mùa mưa sợ khoai úng nước sượng sần, ba tôi cho nhổ hết xắt phơi. Đó là những ngày chúng tôi được ăn khoai thỏa thích. Khoai gòn, khi nấu đổ thêm một ít dầu phụng khử nén. Khoai gòn đã bở lại bùi, vừa béo vừa thơm ăn không biết chán. Nhưng chúng tôi thích nhất là khoai bún xanh cuộn lá chuối đập nhừ thành từng miếng khoai dẻo. Cầm miếng “bánh khoai” vừa chơi vừa ăn nghe thật sảng khoái với món quà quê dân dã. Bây giờ, hình như người dân Tam Kỳ đã “vô tình” lãng quên khoai xiêm. Hàng khoai quen thuộc khi xưa nay đà vắng bóng. Ngay cả chuyện ăn cũng thế. Có người hàng năm chưa đụng đến miếng khoai nào! Có lẽ, người ta còn hãi vì thời kỳ tận dụng khoai xiêm quá nhiều đến độ vỏ khoai cũng không bỏ: “Quê em ở đất Tam Kỳ/ Sắn không lột vỏ gọi là khoai xiêm”? Hay là người Tam Kỳ tạm quên nó đi cũng là một cách tự thưởng cho mình được hưởng “sung sướng” bù lại sau thời gian “khoai cõng cơm” gian khổ!?
Riêng tôi, thỉnh thoảng bắt gặp chiếc xe đẩy bán các loại khoai đi dọc đường phố, thấy thèm, hỏi mua. Người bán hỏi lại: “Sắn hả?”. Cầm bịch khoai của người xa lạ chế biến, lòng tôi bùi ngùi. Tôi nghĩ khoai xiêm giờ đây chỉ còn đơn thuần là một món ăn chơi… Bỗng dưng, tôi lại nhớ đến ba tôi, đến mẹ tôi… nhớ đến một thời người dân Tam Kỳ quần thảo với khoai.
NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG
(*) Choái: Thân cây khoai xiêm.