Khoan thư sức dân

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/04/2018 07:00

Thời bình dân làm ruộng. Thời chiến dân cầm súng. Nước mắt mồ hôi xương máu của dân tô bồi truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Giang sơn có đổi mới phát triển cũng tự ở dân mà ra. Cả xứ Đàng Trong, tiến về phương Nam mở cõi, lớp lớp di dân góp công đầu. Hiểu thế mới cảm nhận được những câu nói để đời như “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi), hay “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân” (Hồ Chí Minh), “dân là con trời cả” (Huỳnh Thúc Kháng)… Vậy nên ở đâu nhà nước cũng phải dựa vào dân. Nhân tài vật lực đều từ dân mà có. Dân đóng thuế nuôi chính quyền và nghĩa vụ của cán bộ nhà nước là làm “công bộc cho dân”.

Mấy lời ngắn gọn trên không thâu tóm hết ý nghĩa, vai trò của dân, nhưng chắc đủ để gợi suy nghĩ về việc huy động sức dân trong kiến tạo/kiến thiết quốc gia, xây dựng nền móng vững chắc của đất nước.
Gần đây có nhiều vấn đề ảnh hưởng chuyện khoan thư sức dân. Ví như thuế phí tăng lên mà còn có những nghịch lý chưa được giải thích rõ ràng. Chẳng hạn, xăng tăng giá vì thu thêm phí bảo vệ môi trường là đúng nhưng hỏi lại chi tiêu số tiền thuế phí thu được ra sao thì ấm ớ. Người ta đã đóng quỹ bảo trì đường bộ nhưng đi xe thì phải mua đường qua các trạm BOT đặt ngay trên quốc lộ. Rồi hàng loạt sắc thuế mà Bộ Tài chính đề xuất đã làm dậy sóng dư luận, như thu thuế tài sản, tăng thuế VAT, tăng thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt v.v. Lo ngại gánh nặng thuế phí ngày càng lớn sẽ làm người dân không có khả năng tiết kiệm và cũng nản đầu tư. Theo TS. Lê Đăng Doanh, với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200USD/người như Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu cao hơn để khoan thư sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư, nhưng hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi. Chỉ nhìn với các nước trong khu vực thì tỷ lệ đóng thuế phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm đã rất cao - với mức 21%, cao hơn Thái Lan là 16%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%,... (theo số liệu của Vietnam Report).

Lý giải cho việc đề xuất tăng thuế, có người viện dẫn rằng Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia ký nhiều hiệp định thương mại tự do nên tụt giảm mạnh khoản thu thuế xuất nhập khẩu - nhiều dòng thuế về bằng 0%, vậy phải tăng thu nội địa. Ô hay, khi ký hiệp định thì hồ hởi loan báo đây là cơ hội cho phát triển, vậy sao bây chừ kêu khó? Cứ chăm chắm thu thuế phí ở túi tiền của dân mình, mà không biết tận dụng cơ hội để kiếm tiền từ thị trường mở ngoài nước là do năng lực của mình chứ trách ai. Ngay ở thị trường nội địa mà người dân còn thu nhập thấp, lại chịu thuế phí cao, sẽ phải tiết giảm nhu cầu trong các lĩnh vực khác, phúc lợi bị giảm đi, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và kinh tế sẽ không phát triển.

Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” với gánh nặng chi tiêu công quá lớn, nợ công kịch trần, người dân cũng có thể “chịu đựng” mà đóng góp thêm để chia sẻ gánh nặng với nhà nước nhưng phải minh bạch đồng tiền ngân sách. Và lẽ ra trước khi nói đến chuyện tăng thuế phí, cần phải có động thái cắt giảm mạnh khoản chi bất hợp lý để nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh có đến 57 ngàn người “dư thừa” kia đã.

Thông thường nhà nước hay phát đi lời kêu gọi sức dân đóng góp nhất là ở các bước ngoặt lịch sử. Tất nhiên thuế khóa dù đóng đủ nghĩa vụ rồi mà dân cũng có thể “thắt lưng buộc bụng” gồng gánh thêm quân lương. Chưa nói với chủ trương “xã hội hóa” đầu tư nhiều nơi còn huy động sức dân đóng góp khá lớn. Đó là khi dân đồng thuận, dựa trên niềm tin với chính thể nhà nước, tin chính quyền là của dân do dân vì dân. Còn ngược lại, nếu bản chất “thuế có tính cưỡng bức” mà chi tiêu ngân sách thiếu minh bạch thì người ta phải miễn cưỡng đóng nộp, mong gì kêu gọi thêm. Ngưỡng chịu đựng luôn có giới hạn.

Khoan thư sức dân chính là chỗ để không bao giờ vượt quá ngưỡng chịu đựng đó. Cây trồng, con vật nuôi, còn phải dưỡng mới cho kết quả tốt huống gì là con người! Đồng thời quan trọng hơn là nhờ khoan thư sức dân mới có thể tái tạo nguồn lực phát triển bền vững.

Viết đến đây chợt nhớ lời Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn khuyên vua tôi nhà Trần sau những cơn sóng gió lịch sử là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoan thư sức dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO