(QNO) - Chiều nay 9.2, khoảng 1.000 công nhân của Công ty TNHH May mặc ONEWOO (thuộc Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, Thăng Bình) đồng loạt ngưng việc vì cho rằng tiền phụ cấp hằng tháng bị hạ một cách vô lý, cũng như không đồng tình với một số chính sách của công ty.
Sự việc khởi nguồn lúc trưa cùng ngày, khi công ty dán thông báo bắt đầu từ tháng 1.2017, tiền phụ cấp xếp loại hằng tháng ở 5 cấp bậc sẽ giảm bớt 200 nghìn đồng (cao nhất bậc A+ từ 600 nghìn đồng giảm còn 400 nghìn đồng, thấp nhất bậc D từ 280 nghìn đồng giảm còn 80 nghìn đồng). Theo các công nhân, công ty thông báo giảm tiền phụ cấp vì cho rằng số tiền này trước đây đưa ra quá cao.
Công nhân tụ tập phía trước công ty để đòi quyền lợi. Ảnh: Q.CHÂU |
Không làm việc trong xưởng chiều nay, công nhân tràn ra phía trước công ty để đòi quyền lợi. Đồng thời yêu cầu được đối thoại với lãnh đạo công ty để có tiếng nói chung về vấn đề trên, cùng với đó là nhiều quyền lợi khác mà công nhân cho rằng mình bị chèn ép.
Chị Nguyễn Thị L. (trú xã Bình Triều, Thăng Bình) làm công nhân may của công ty được 11 tháng nay. Chị cho biết, khi bắt đầu ký hợp đồng làm việc, công ty hứa sẽ chi trả lương cơ bản tháng 13 (dịp tết). Tuy nhiên, sau đó chỉ có công nhân làm đủ 1 năm mới được nhận đầy đủ tháng lương này. “Có người đã làm mấy tháng nhưng lương thứ 13 chỉ nhận được 200 nghìn đồng. Tết nhứt, nhưng khoản chi trả này quá bèo bọt đối với chúng tôi” - chị L. nói.
Theo các công nhân, cần có buổi thoại giữa các bên để có được tiếng nói chung. Ảnh: Q.CHÂU |
Được biết, Công ty TNHH May mặc ONEWOO hoạt động vào năm 2015, có 100% vốn Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực may mặc; hiện có khoảng hơn 1.000 công nhân. |
Ngoài ra còn một số quyền lợi khác mà công nhân cho rằng chưa được giải quyết thỏa đáng. Công nhân Nguyễn Thị Ngọc A. (30 tuổi, xã Bình Phục) nói: “Sinh con xong, tôi đã đi làm được 4 tháng nay nhưng phía công ty chẳng đoái hoài gì đến khoản trợ cấp dưỡng sinh. Ngoài ra đối với những công nhân phụ may trước nay không được hưởng tiền phụ cấp độc hại”.
Còn chị Huỳnh Thị B. (xã Bình Sa, Thăng Bình) cho rằng, thời gian làm việc của công nhân bị chèn ép. Cụ thể, theo hợp đồng làm việc, buổi sáng bắt đầu lúc 7 giờ 30 nhưng trước đó 10 phút đã phải vào vị trí làm việc. “Một năm nghỉ được 14 ngày phép, những hôm hết hàng hay cúp điện, công ty tự động trừ ngày công vào ngày nghỉ phép. Trong khi đó, nếu con đau hay có chuyện đột xuất xin nghỉ phép thì công ty lại không cộng tiền nghỉ phép” - chị B. bức xúc nói.
Chiều cùng ngày, chúng tôi liên hệ với đại diện công ty nhưng không được. Trong khi đó, về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin, huyện đã cử các ban ngành đến công ty làm việc. Ông Nguyễn Tấn Bình - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho biết, đơn vị đã có buổi tiếp xúc với công nhân và sẽ thông tin cụ thể sau.
Q.CHÂU