Những ngày qua, cuộc sống của khoảng 11.000 hộ dân ở Hội An bị đảo lộn do thường xuyên bị mất nước sinh hoạt. Bà Phạm Thị Lắm (54 tuổi, ở phường Cẩm Châu), cho biết: “Mất nước khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và phải đi xin nước hàng xóm do họ có giếng khoan cũ. Tình trạng mất nước không chỉ xảy ra nhiều ngày, mà có thời điểm kéo dài gần như cả ngày, trong khi đó chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào”. Trao đổi với chúng tôi sáng 11.10, ông Nguyễn Viết Thành - Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An, xác nhận tình trạng trên và cho biết từ ngày 6.10, nước ở sông Vĩnh Điện vượt mức cho phép nên trạm nước thô đặt ở đây không thể bơm nước và cung cấp cho nhà máy nước ở Hội An để xử lý. Ông Thành cho biết thêm, độ mặn nước thô trước khi xử lý ở ngưỡng cho phép là phải không quá 0,45‰, trong khi đó những ngày qua độ mặn nước ở sông Vĩnh Điện là hơn 3‰. Nguyên nhân độ mặn ở sông Vĩnh Điện tăng và vượt ngưỡng cho phép, theo ông Thành, là do đập ngăn mặn để phục vụ nông nghiệp được tháo sau khi kết thúc mùa vụ sớm, trong khi đó từ thượng nguồn không có nước đổ về.
“Khi xảy ra sự việc trên, chúng tôi đã sử dụng hồ dự trữ 40.000m3 để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhưng không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của thành phố. Hai ngày vừa rồi, mỗi ngày chúng tôi chỉ bơm được từ 3 - 4 tiếng đồng hồ. Nước thiếu nên áp lực nước từ bồn không đủ mạnh để đẩy nước đi xa, khiến cho những hộ dân ở xa bồn, hay ở tầng cao không có nước sử dụng” - ông Thành cho hay. Cũng theo ông Thành, đến 5 giờ 10 phút ngày 11.10, khi độ mặn của nước trên sông Vĩnh Điện hạ xuống ngưỡng cho phép, trạm bơm đã hoạt động hết công suất để đưa nước về xử lý đảm bảo sinh hoạt của người dân. “Đây là lần đầu tiên bị mất nước kéo dài vào quãng thời gian này do mùa vụ kết thúc sớm, đập ngăn mặn phục vụ nông nghiệp được tháo đi. Chúng tôi có đề xuất lên cấp trên cần có ngân sách xây đập ngăn mặn lâu dài để tránh trường hợp nước bị nhiễm mặn như vừa rồi” - ông Thành chia sẻ.
XUÂN THỌ