Khoảng cách nghèo

ĐĂNG QUANG 16/03/2015 08:03

Cách đây 12 năm, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU (ngày 30.4.2003), về phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp. Qua hành trình phấn đấu theo quyết sách chiến lược này, các giải pháp chủ yếu tập trung vào mục tiêu tăng trưởng, trong đó ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Kết quả là GDP bình quân đầu người đã đạt hơn 1.640USD (năm 2014), và dự kiến sẽ đạt 1.925USD trong năm nay; tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ đã chiếm đến 83% trong GRDP, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19%/năm trong giai đoạn 2010 – 2014, với tổng giá trị đạt hơn 175 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, thời gian qua, Quảng Nam tập trung vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo; đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 12,16%.

Tuy đã đạt những thành quả không nhỏ, nhưng câu chuyện của hành trình phấn đấu thành tỉnh công nghiệp chưa thể xem là “xuôi chèo mát mái”. Bởi vì, với 10 tiêu chí phấn đấu mà Tỉnh ủy đề ra (theo Kết luận số 101/KL-TU ngày 14.8.2009), thì dự kiến đến cuối năm 2015 mới đạt được 3 tiêu chí (gồm GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ giảm nghèo); và có 4 tiêu chí dự báo sẽ khó đạt (tốc độ tăng GRDP, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ). Do vậy, làm thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững là vấn đề đặt ra những thách thức cho Quảng Nam trong giai đoạn từ đây đến năm 2020. Và, câu chuyện phát triển bền vững cũng đòi hỏi phải đi đôi với giảm nghèo bền vững. Dù tỷ lệ giảm nghèo đã đạt theo tiêu chí đặt ra, song phân tích kỹ thì khoảng cách giàu nghèo và nguy cơ tái nghèo sẽ gợi lên nhiều nỗi lo. Chẳng hạn, cho đến nay Quảng Nam còn hơn 48 ngàn hộ nghèo, hơn 36 ngàn hộ cận nghèo; mà giữa nghèo và cận nghèo chỉ là khoảng cách mong manh. Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là con số bình quân, nhưng so sánh cụ thể thì miền núi và đồng bằng có khoảng cách rất lớn, và 6 huyện miền núi được hưởng Chương trình 30a còn tỷ lệ hộ nghèo bình quân gần 50%.

Muốn tốc độ phát triển nhanh hơn hiển nhiên phải đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, và đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ để giảm nghèo bền vững. Có thể thấy là chính quyền tỉnh đã nhận thức được điều tiên quyết đó, nên định hướng giai đoạn 2016- 2020 cần thực hiện thêm 2 giải pháp song hành có tính đột phá là xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Điều quan trọng là trong khi nhiều chương trình mục tiêu bị cắt giảm nhưng chương trình giảm nghèo vẫn còn được Chính phủ cho tiếp tục thực hiện. Do đó, cần tranh thủ tối đa nguồn vốn của chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho nhân dân ở vùng nghèo về trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp. Đồng thời như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần triển khai thực hiện hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng… cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Riêng với Quảng Nam còn phải tranh thủ nguồn vốn từ Dự án giảm nghèo khu vực miền Trung – Tây Nguyên, để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện sinh kế cho người dân của 15 xã (thuộc 3 huyện Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn).

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu từ năm 2015 trở đi giảm tỷ lệ hộ nghèo 1 - 1,5%/năm, số hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm 3 - 4%, xuống còn 30%. Với Quảng Nam, đây là câu chuyện không hề đơn giản.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng cách nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO