Tôi có người bạn làm lãnh đạo phường, chia sẻ rằng nhiều gia đình ở địa phương rất biết giữ khoảng cách, tuân thủ nghiêm quy định cách ly xã hội và cũng hăng hái báo cáo với địa phương khi phát hiện các tình huống tụ tập đông người, nhất là tại nhà các hộ trong khu dân cư.
Anh chia sẻ, phản ánh của người dân thì mình phải cử người đến tận nơi để xác minh, nhưng tình huống tụ tập chủ yếu là các gia đình cùng xóm thân thiết nhau, từ trước dịch đã thường xuyên qua lại nên dù sai quy định nhưng địa phương chỉ nhắc nhở. Anh nói cái khó là làm sao cấm trẻ con cùng xóm tụ tập trong lúc này. Khoảng cách của trẻ con, đôi lúc vượt ngoài kiểm soát của người lớn.
Mấy ngày qua, tôi thường xuyên điện về quê hỏi thăm, được biết phiên chợ trên bãi biển vẫn diễn ra đông đúc, hối hả vào mỗi sáng. E ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh thì ngư dân giải thích rằng hải sản khai thác chuyển vào bờ phải được tiêu thụ nhanh. Đó là sinh kế thiết yếu của người dân, cả sản xuất trên biển và trên bờ. Hơn nữa, đặc thù dân cư vùng bãi ngang ven biển là sống tập trung, nhà cửa san sát nên chuyện tụ tập là rất khó tránh khỏi. Vì vậy, phương pháp phòng chống dịch của địa phương chủ yếu là dựng chốt kiểm soát chặt địa bàn, không cho tụ tập đông người ở những nơi buôn bán hàng hóa không thiết yếu...
Cách ly xã hội ở mỗi địa phương đang thực hiện theo mỗi cách khác nhau, tùy theo đặc thù vùng miền, dân cư và cả phương pháp thực hiện chỉ thị phòng chống dịch cấp bách này. Và cái đích cuối cùng là giữ khoảng cách giữa người với người để tránh lây lan dịch bệnh.
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ ở một số nơi, chính quyền dựng vật cứng để ngăn cản trên các tuyến giao thông; hay vẫn đang tranh luận về chế tài xử phạt người dân ra đường không vì mục đích chính đáng... Cách ly xã hội theo giải thích là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống dịch bệnh có thể bùng phát, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội... Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hiểu theo nghĩa ấy bởi có thể ngỡ ngàng vì đây là lần đầu tiên thực hiện. Nhưng cũng có thể vì một lý do khác, đó là “khoảng cách” trong đời sống xã hội có nơi đã dần xa, nên nảy sinh tình huống không mong muốn là tự “co cụm” trong tình cảm cá nhân với cộng đồng.
Dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, trong những ngày thành phố này bị phong tỏa, nhiều người chờ đọc nhật ký của nhà văn Phương Phương được chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi nhớ bà có viết rằng, sau dịch, người dân Vũ Hán nên khóc chung một bữa, hay nên dựng bức tường than khóc bởi những kìm nén cảm xúc cần được giải tỏa. Tất nhiên tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống của nước ta không phải như Vũ Hán, nhưng cách ly (dù ở cộng đồng hay tập trung) cũng có một điểm giống nhau là sự xa cách, và có thể đã làm “rạn nứt” đâu đó một vài mối kết dính trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, có lẽ sau dịch, chúng ta cũng nên có một lần xóa bỏ khoảng cách để mỗi người gần hơn với cộng đồng. Và nên tin rằng khoảng cách bây giờ chỉ tạm thời mà thôi!