Chúng ta đang trải qua một mùa xuân - lễ hội được coi như “khác thường” so với mọi năm. Nói “khác thường” bởi nhiều năm rồi, cứ ra giêng ngày rộng tháng dài, hình ảnh đọng lại vẫn là dòng người nườm nượp đổ về các điểm hành hương, các khu di tích như một sự đương nhiên. Còn tháng Giêng này, những dòng người ấy đã thưa vắng đi rất nhiều.
Cũng dễ hiểu thôi, trong vòng xoáy của dịch bệnh Covid-19, buộc các lễ hội ở Việt Nam phải dừng lại. Không chỉ sự an yên đúng nghĩa trở lại, đó còn như cơ hội để chúng ta “chỉnh trang” các biến tướng núp bóng, để lễ hội trở về thật nhất, đúng nhất tín ngưỡng, tâm linh và văn hóa của người Việt.
Từ ngàn xưa, lễ hội tự thân xuất phát như “sản phẩm” của đời sống nông nghiệp. Cả năm quần quật làm lụng, lo toan với cuộc sống thường nhật. Thư thả một chút, dư ra một chút, lo cho tết, dành cho tháng Giêng, cho lễ hội. Về bản chất, mỗi lễ hội trước tiên vẫn hướng về việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của từng cộng đồng nhỏ hẹp trong mỗi làng xã địa phương. Tinh thần lễ hội chính từ người dân, của người dân hay người dân là chủ thể của lễ hội cũng từ lẽ đó mà ra.
Để rồi, sau bao biến thiên cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng cũng tăng dần (chuyển hóa) trong xã hội. Sự chuyển hóa trong tư duy, trên nhận thức hay nói cách khác từ những lệch lạc trong suy nghĩ của con người đã tác động và được coi như nguyên nhân làm thay đổi giá trị, tinh thần tốt đẹp của lễ hội bây giờ. Nhìn ở chiều kích tích cực hơn, sự thay đổi để tương ứng của mỗi lễ hội được xem như sự thích ứng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Lúc đó, lễ hội dần vượt ra khỏi chức năng phục vụ dân cư bản xứ để hướng đến phục vụ cộng đồng rộng rãi. Lễ hội cũng là điều kiện cơ bản kích thích tăng trưởng kinh tế, xã hội của mỗi địa phương trên lĩnh vực du lịch.
Nhưng nhiều năm gần đây, kinh tế phát triển, xã hội phồn thịnh thì lễ hội lại nở rộ khó kiểm soát, tấp nập với những xô bồ và cuồn cuộn trong cơn biến tướng theo một chiều hướng xấu đi. Nhiều lễ hội Xuân trên cả nước đã biến đổi nhiều về cả không gian, thời gian cũng như các nghi thức tổ chức. Những khía cạnh tích cực dần phai nhạt, trong khi yếu tố tiêu cực tăng lên. Và tất yếu, nhược điểm phát sinh, tính thương mại hóa tăng lên và không gian văn hóa lễ hội truyền thống bị phá vỡ. Câu chuyện về nạn cướp lộc, nạn chen chúc xô đẩy, nạn “chặt chém” du khách được nói nhiều hơn, phản ánh nhiều hơn như một sự bức bách và đòi hỏi những giải pháp từ các cơ quan quản lý.
Trong cơn bão dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã đưa lễ hội ở vào một bối cảnh thật khác so với nhiều năm. Chính khoảng lặng này, được coi như sự dừng lại cần thiết, như cơ hội quý giá cho các cơ quan quản lý và cả cộng đồng đặt vào một sự định danh đúng nghĩa với chính cội nguồn và xuất phát điểm của mỗi lễ hội.
Với khoảng lặng dù trong điều kiện bất khả kháng như tháng Giêng năm nay, hơn lúc nào hết, chúng ta phải tận dụng điều đó để cùng có những cái nhìn khác về lễ hội. Hãy trả lễ hội về đúng cốt cách nhân văn của nó. Lễ hội từ người dân mà có, phải của chính người dân.