Khoảng lặng của du lịch sinh thái

QUỐC TUẤN 28/01/2024 11:00

Là loại hình có nhiều tiềm năng và được khuyến khích phát triển ở Quảng Nam nhưng du lịch sinh thái chưa tạo nhiều đột phá để lan tỏa, giảm áp lực khách trong không gian các di sản.

Là khu vực có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái nhưng thời gian qua có rất ít du khách tham quan, trải nghiệm ở Bãi Sậy - Sông Đầm. Ảnh: Q.T
Là khu vực có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái nhưng thời gian qua có rất ít du khách tham quan, trải nghiệm ở Bãi Sậy - Sông Đầm. Ảnh: Q.T

Trầm lắng

Quảng Nam có địa hình đa dạng, nhiều điểm đến gắn với hệ sinh thái tự nhiên đặc sắc thích hợp thúc đẩy loại hình du lịch sinh thái như rừng dừa Bảy Mẫu, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, Bãi Sậy - Sông Đầm (Tam Kỳ), hồ Phú Ninh, Tây Viên - Núi Chúa (Nông Sơn)… Đây được xem là lối đi để giãn bớt du khách khỏi hai trung tâm du lịch di sản Hội An - Mỹ Sơn, đồng thời nâng cao giá trị ngành du lịch địa phương.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, thời gian qua Quảng Nam đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau.

Qua đó làm đa dạng sản phẩm du lịch Quảng Nam, lan tỏa các giá trị bản địa đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có phát triển du lịch. Dù vậy, loại hình này thời gian qua vẫn chưa thật sự có chiều sâu. Phần lớn sản phẩm du lịch do cộng đồng đầu tư, khai thác mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm ở mức đơn giản.

Một số khu vực du lịch sinh thái quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hiện cũng gặp những thách thức trong phát triển điểm đến. Với khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, sau nhiều năm khai thác, chủ đầu tư vẫn chưa thể tạo ra đột phá cho điểm đến.

Thời gian qua, huyện Phú Ninh cũng đã nhiều lần đề cập về việc xúc tiến, chào mời thêm các nhà đầu tư có tiềm lực sau khi đã quy hoạch các phân khu hồ Phú Ninh để tạo ra bước tiến mới cho hệ sinh thái này.

Với khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, dù đã tạo ra hiệu ứng tích cực và trở thành điểm đến sôi động nhất ở khu vực phía tây của tỉnh nhưng lại đang gặp một số vướng mắc trong thủ tục, quy định để nâng cấp, mở rộng sản phẩm điểm đến.

Ngay cả với khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, dù có những thời điểm quá tải trong việc đón khách (trước khi có đại dịch COVID-19) nhưng các sản phẩm du lịch sinh thái còn khá tẻ nhạt là một nguyên nhân quan trọng khiến Cù Lao Chàm chật vật trong việc thu hút, giữ chân khách ở lại với đảo.

Cần khai thác có chiều sâu

Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên, tri thức bản địa chính là vấn đề cần phải cân bằng trong bối cảnh du lịch Quảng Nam hướng đến phát triển xanh, bền vững.

Ông Lê Ngọc Thảo - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn là tài sản quý giá của các điểm đến. Nó cần phải được liệt kê chi tiết, phân thành các nhóm, đánh giá hiện trạng, phân tích tác động, nguy cơ có thể ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên.

Tại Cù Lao Chàm, các mô hình về khai thác cua đá, rau rừng, đồng quản lý tài nguyên… là minh chứng cho việc khai thác tài nguyên văn minh và cần được chú trọng, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái theo chiều sâu.

Cũng theo ông Thảo, cần chia sẻ lợi ích theo mô hình hợp tác 4 nhà trong phát triển du lịch sinh thái. Các nghiên cứu của đơn vị chỉ ra rằng, người dân ở Cù Lao Chàm chỉ được hưởng chưa đến 10% doanh thu từ sự phát triển du lịch đến đảo.

Một phần là bởi các đơn vị lữ hành và các doanh nghiệp du lịch chỉ mới tính toán làm sao đầu tư tối thiểu nhưng thu được lợi nhuận tối đa, ít quan tâm tới việc tạo mối liên kết và chia sẻ lợi ích với người dân địa phương.

Hơn nữa, chính quyền chưa có những định hướng chính sách giúp du khách có thể tự chọn phương án tiếp cận đảo Cù Lao Chàm mà không phải phụ thuộc vào các đơn vị lữ hành.

Còn theo đại diện Tổ chức Cứu trợ, phát triển quốc tế (FIDR), việc phát triển du lịch sinh thái ở khu vực miền núi cần thận trọng, trong đó nên tính toán giới hạn số lượng du khách phù hợp với sức chứa điểm đến để tránh làm tổn thương tài nguyên văn hóa, thiên nhiên của người đồng bào.

Ngay cả với rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, TP.Hội An) vốn được xem là một điển hình về phát triển du lịch sinh thái cũng còn nhiều hạn chế. Ông Văn Bá Sơn cho rằng, sản phẩm du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu hiện chỉ dừng ở mức độ tạo niềm vui cho du khách chứ chưa thể hiện được giá trị cốt lõi về văn hóa - lịch sử - môi trường của điểm đến này.

“Thời gian qua, du khách chưa được trải nghiệm câu chuyện du lịch độc đáo về thiên nhiên, văn hóa khu vực này mà chỉ nở rộ vấn đề thu hút khách bằng các sản phẩm mang tính mua vui, giải trí” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng lặng của du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO