“Khoảng lặng” quý giá cho Cù Lao Chàm

KHÁNH LINH 28/04/2020 13:53

Ngoài mặt thiệt hại về kinh tế du lịch khi Cù Lao Chàm tạm ngưng đón khách, cũng phải thừa nhận rằng khoảng thời gian này đã mang đến những “khoảng lặng” quý giá giúp phục hồi môi trường, sinh thái biển đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An).

Thời gian tạm ngưng đón khách vừa qua đã giúp hệ sinh thái khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được phục hồi tốt hơn. Ảnh: V.LỘC
Thời gian tạm ngưng đón khách vừa qua đã giúp hệ sinh thái khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được phục hồi tốt hơn. Ảnh: V.LỘC

Đảo sạch hơn

Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, sau gần 2 tháng ngừng đón khách môi trường trên đảo Cù Lao Chàm đã trở nên trong sạch hơn, rác thải và nước thải giảm hẳn. Chỉ riêng lượng rác thải đã giảm được khoảng 2 tấn mỗi ngày (trước đây 5 tấn/ngày), chủ yếu rác vô cơ từ hoạt động du lịch.

“Bên cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người dân, việc tạm ngưng đón khách thời gian qua cũng giúp tài nguyên đảo có cơ hội được phục hồi. Không có du lịch đồng nghĩa nước thải và rác thải vô cơ từ khách cũng ít hơn, kể cả hạn chế khai thác nguồn tài nguyên trên đảo” - bà Hương nhìn nhận.

Theo TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, mặc dù không có số liệu so sánh cụ thể, nhưng việc Cù Lao Chàm tạm ngưng hoạt động du lịch thời gian qua chắc chắn sẽ giúp môi trường đảo tốt hơn. Đặc biệt qua đó giúp rút ra bài học cho tương lai là trong các hoạt động kinh tế nếu biết quan tâm nhiều hơn, ứng xử tốt đẹp hơn với thiên nhiên, đồng thuận trong bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ đạt được cả hai mục tiêu kinh tế và bảo tồn - bảo vệ môi trường tài nguyên.

“Về mặt khoa học, muốn so sánh sự thay đổi môi trường đảo Cù Lao Chàm trước và sau khi ngừng đón khách phải có số liệu nghiên cứu cụ thể, nhưng về mặt cảm quan, hoạt động du lịch giảm chắc chắn có tác động tốt đến môi trường. Rác thải, nước thải giảm rõ rệt, chất lượng nước cũng ổn định, trong hơn” - TS. Chu Mạnh Trinh nói.

Cũng theo TS.Chu Mạnh Trinh, những ngày vắng khách, không chỉ Cù Lao Chàm, môi trường vùng cửa sông ven bờ như rừng dừa nước Cẩm Thanh cũng khá tốt, nước xanh hơn, yên tĩnh hơn, điều này rất có ý nghĩa vì đây là bãi đẻ của các loài sinh vật.

“Điều quan trọng khi làm du lịch là bán các giá trị về môi trường, hệ sinh thái chất lượng chứ không phải can thiệp thô bạo vào môi trường tự nhiên. Tất nhiên, bảo tồn thiên nhiên không phải là đóng cửa không làm ăn, nhưng nếu làm tốt du lịch mà tuân thủ theo những quy định không ồn ào, không đánh bắt quá mức, bảo vệ, phân vùng thì chắc chắn lợi ích chia sẻ giữa du lịch và bảo tồn sẽ tốt hơn” - TS. Chu Mạnh Trinh phân tích.

Bảo tồn hệ sinh thái

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, với khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sự tác động đến hệ sinh thái và rạn san hô còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường, độ mặn của nước, nhiệt độ,… chứ không chỉ là tác động của con người từ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, qua thực tế việc khai thác các tài nguyên trên đảo phục vụ du lịch là có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức báo động. Riêng các hoạt động như vận chuyển, bơi lặn của khách du lịch đương nhiên có ảnh hưởng đến rạn san hô, còn ảnh hưởng mức độ nào thì phải điều tra khảo sát.

Một ảnh hưởng có nghiên cứu cho thấy, tác động của du lịch đã làm suy giảm hệ sinh thái cỏ biển khá mạnh. Từ năm 2004 đến nay lượng cỏ biển vùng biển Cù Lao Chàm đã giảm hơn 70%, trong khi để hình thành thảm cỏ biển mất thời gian rất lâu. Theo ông Nguyễn Văn Vũ, nguyên nhân do ca nô vận chuyển khách du lịch gây ra. Do đó, về mặt cảm quan khách du lịch nhiều sẽ tác động đến hệ sinh thái, nếu giảm sự tác động, môi trường và hệ sinh thái cỏ biển sẽ tốt hơn.

“Cỏ biển thường phân bố gần các bãi tắm nên khi ca nô chở khách du lịch chạy ra chạy vào nhiều sẽ khuấy động trầm tích ở dưới lấp cỏ biển lại. Trong khi cỏ biển cũng như cây cần có ánh sáng để quang hợp nhưng khi bị tác động như vậy không quang hợp được sẽ chết” - ông Vũ phân tích.

Biển Cù Lao Chàm hiện còn khoảng 17ha cỏ biển phân bố chủ yếu tại các khu vực bãi Bấc, bãi Nần, trước bãi Hương, bãi Bìm, sau bãi Ông… Cỏ biển có vai  trò rất quan trọng, đây là nơi sinh sống, vùng đẻ của các loài giáp xác và cá.

Theo TS.Chu Mạnh Trinh, thời gian ngưng đón khách vừa qua cũng là cơ hội để giúp nhìn lại hướng bảo tồn hệ sinh thái để phát triển bền vững cả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Bảo tồn không phải là đóng cửa du lịch. Phải cân bằng, thực hiện tốt giữa phát triển du lịch và tuân thủ những quy định về bảo tồn, đó cũng chính là phát triển bền vững. Mặt khác, khi trả lại môi trường sinh thái cho tự nhiên, người dân sẽ có thêm sinh kế làm ăn, phát triển từ nguồn lợi tự nhiên ban cho.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Khoảng lặng” quý giá cho Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO