Khoảng lặng theo con nước

MINH ĐIỀN 25/03/2017 09:06

Có lần tôi tìm kiếm được một số anh chị cựu thanh niên xung phong (TNXP), để phỏng vấn cho một phóng sự về phong trào thanh niên những năm sau 1975. Họ hẹn tôi ở công viên 29-3 Đà Nẵng. Tôi nghĩ, mấy ông bà này cũng khéo lựa nơi tươi tốt lãng mạn, rất có mùi vị thanh niên...

Chừng vào cuộc trò chuyện mới hiểu ra, đó là một trong những “chiến trường” của TNXP Đà Nẵng ngày ấy. “Công viên này trước năm 1975 là một bãi rác, các anh chị đã dọn sạch, trồng cây và đào ra cái hồ này, bằng tay chân, cuốc xẻng và xe rùa...”.

Câu cá bống ở hồ Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Câu cá bống ở hồ Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tôi nghe mà sửng sốt. Đào một cái hồ rộng hàng hecta như thế chỉ bằng sức người thôi sao? Bao nhiêu công sức cho mà đủ?

“Ha ha, rứa mới gọi là TNXP… Nhưng đó có nhằm nhò chi, so với cái hồ Phú Ninh!...”.

So với cái Phú Ninh!
Khi tôi chạm mặt Phú Ninh, hồ Phú Ninh ấy, tôi mới nhận ra nỗi ngạc nhiên 29-3 của mình thiệt là đáng xấu hổ. Tôi hồi tưởng lại những câu chuyện tràn trề tiếng cuốc xẻng khua, tiếng đất đá xới lên nhộn nhạo, tiếng cười, tiếng hát, tiếng ầm ạc những mùa mưa rừng trùm phủ trên tiếng run bật những thân người trong cơn sốt ngã nước...

Bất giác nhìn mặt nước xanh ngắt trải dài giữa chập chùng núi non ấy, mà ngờ rằng nước ấy mang vị mặn. Không phải chất mặn của muối biển, mà của mồ hôi (và cả máu) hàng vạn lượt TNXP, trong những ngày kham khổ nhất khi đất nước mới bước ra khỏi chiến tranh.
Tôi có một bạn vong niên, là một nhân vật được nể trọng trên công trường Phú Ninh đó. Những nhân chứng tôi đã gặp gỡ nói trên, và một vài người bạn khác cùng thời, đều nhắc đến anh như một Paven cuồng nhiệt. Tình cờ tôi yêu quý và kết thân với anh, cũng từ một bài thơ anh viết về kỷ niệm TNXP, nhiều năm sau cái thời thanh niên sôi nổi ấy.

“Ta say tình người mùa bão lũ

Lán gầy lệch vách, mái trời bung

Bao thằng cởi trần quần gió dữ

Có hề chi - thanh niên xung phong...”.

Có hề chi..., cái giọng điệu khí khái của những trai gái tuổi đôi mươi mới bước khỏi mái trường, những thư sinh với “tay kẻ trói gà mềm tựa bún” đó đã “nổi vồng lên những nốt sần”. Những chi tiết tôi thâu nạp được về một thế hệ hừng hực lên đường xây dựng lại quê hương, chỉ với hành trang là bầu máu tuổi trẻ, và một ý chí vượt qua mọi chướng ngại tưởng như ngoài tầm với của sức người. Thú thực đến bây giờ, đứng trước Phú Ninh, tôi vẫn không thể chắp nối được vẻ hùng vĩ của công trình với sức vóc của những con người yếu ớt và bàn tay trần mới lần đầu làm quen với cuốc thuổng... Luôn có một cảm giác huyền hoặc trong sự tích đó. Dáng dấp của hồ nước, của đập nước gần với tạo hóa hơn là với con người. Chao ôi cái thời mang ý chí chinh phục thiên nhiên, đã có Phú Ninh là một điển hình xứng đáng.
Nhưng tôi muốn trở lại câu chuyện liên quan đến người bạn “Paven Phú Ninh” của mình chút nữa. Một chuyện không vui. Ấy là Paven có lần phải trốn khỏi công trường đi lánh nạn, vì bị lùng bắt sau khi tố cáo một số lãnh đạo công trường tham nhũng khẩu phần của TNXP. Những khẩu phần ghế sắn độn khoai thời đói, bớt đi một dem là rút đi giọt máu của người xẻ đất. Anh nổi giận “tại đương trường” vì thương đồng đội kham khổ, và khinh ghét những kẻ…  ăn bẩn. Hậu quả là phải về Đà Nẵng “ở ẩn” nhà bạn học cũ cho đến khi một lãnh đạo tỉnh can thiệp với công an và ban quản lý công trường. Anh trở lại với đồng đội, lại hò hét thi đua năng suất. Một đồng đội anh kể mà lắc đầu, “nhìn lại khối lượng chỉ tiêu đội của ảnh đăng ký tăng lên hàng tuần hàng tháng, mà không tin nổi sức người có thể làm được”.

Tới đây xin thưa rõ tên người, anh là Nguyễn Khoa Chiến, một thời là thủ lĩnh đoàn thanh niên công trường Phú Ninh. Tôi hài tên anh ra chỉ để chứng thực những cảm nhận của mình về một thời, một công trình lịch sử. Cuộc đời anh sau cái đoạn sôi nổi ấy, không có nhiều vui. Và bạn bè đồng đội anh rồi tản mác, mỗi người một số phận. Đó là cuộc đời. Những cuộc đời bình thường vẫn là tác giả của lịch sử lớn lao như vậy.
Năm nay hồ thủy lợi Phú Ninh kỷ niệm 40 năm ra đời. Cầm bằng hai lần tuổi trẻ đã qua đi từ đó. Nhưng tôi tin dẫu thêm chừng đó thời gian khuất lấp nữa, những cựu TNXP có dịp ngồi lại với nhau vẫn là trẻ trung hào hứng như xưa. Phú Ninh, nói như các anh chị, là một “chiến trường” ác liệt nhất, quy tụ lực lượng hùng hậu nhất..., và vì đó mà trở nên mối buộc ràng kỷ niệm khó phai nhất trong đời mỗi người.

Lịch sử thường ghi lại những cái chung, những thành tựu hay mất mát lớn, và thường bỏ quên những “tiểu tiết”, chẳng hạn hôm nay nói đến Phú Ninh, người ta thường nghe đến công trình thế kỷ, đến đập nước nhân tạo lớn nhất nhì Việt Nam, đến khí thế hừng hực của hàng triệu lượt thanh niên một thời vân vân... Nhưng đó chính là chỗ yếu kém của thứ lịch sử quan phương, cứng nhắc, khiến cho lịch sử trở nên chán ngán. Tôi nghĩ để lịch sử sống động và hấp dẫn hơn, gần gũi và chân thực hơn, nó cần được tìm thấy qua những điều vụn vặt. Không phải nhắc lại một chút khoảng tối ở Phú Ninh khiến cho công trình này bớt đi sự hào hùng. Chính những câu chuyện đó thắp lên ngọn lửa để nhìn rõ hơn những khó khăn mà phong trào TNXP một thời phải vượt qua, sự gian khổ không bào mòn ý chí đấu tranh và nhận thức về lẽ phải, mà vì đó - tôi nhấn mạnh là vì đó - bao lớp thanh niên đã đổ mồ hôi và cả máu, sinh mạng mình để tạo nên một Phú Ninh lộng lẫy hôm nay.

MINH ĐIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng lặng theo con nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO