Hoạt động không hiệu quả, “tiến thoái lưỡng nan” trong giải thể, thiếu nguồn nhân lực chất lượng, máy móc hiện đại để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh theo kịp xu hướng thị trường... là mẫu số chung của các HTX yếu kém trên địa bàn Quảng Nam. Để bước ra khỏi “góc tối” này cần giải pháp mang tính hệ thống, toàn diện, mà gốc rễ phải là ý thức khởi nghiệp từ chính các chủ thể của HTX.
BÀI 1: TỒN TẠI NHƯ KHÔNG TỒN TẠI
Ồn ào xuất hiện nhưng biến mất lặng lẽ, thậm chí nhiều HTX còn được nhắc tới trong sự… ngỡ ngàng của chính quyền địa phương với thực trạng ba không: không có trụ sở, không hoạt động và không có sản phẩm. Nhiều HTX “tiến thoái lưỡng nan” khi không duy trì được hoạt động sản xuất nhưng khó thủ tục giải thể cũng là câu chuyện đáng chú ý.
Những “bóng ma” hợp tác
Thành lập HTX để... đối phó
Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, hiện nay vẫn có một số địa phương thành lập HTX nhằm hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn để đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tình trạng này xuất hiện ở một số huyện miền núi do cơ chế hỗ trợ khá “thoáng”. “Hầu hết địa phương được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có HTX hoạt động tốt. Tuy nhiên, qua theo dõi, vẫn có một vài nơi HTX hoạt động kém hiệu quả, được thành lập để đối phó tiêu chí số 13. Các xã này có sản phẩm truyền thống chủ lực, có khả năng thành lập HTX, địa phương vận dụng đưa cán bộ xã về quản lý HTX, nhưng sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì lại quay về hoạt động cầm chừng, không có đầu ra, không đảm bảo hiệu quả thực chất” - ông Bảy nói.
Ông Nguyễn Văn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu (Duy Xuyên) tỏ ra ngạc nhiên với cái tên HTX Trần Hùng (thôn Lệ Bắc) mà chúng tôi đề cập trong danh sách những HTX yếu kém, đang chờ giải thể nằm trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Văn rút điện thoại gọi cho Trưởng thôn Lệ Bắc và kết quả là chính quyền cơ sở cũng hoàn toàn… bó tay với cái tên HTX Trần Hùng, dù trong văn bản phóng viên Báo Quảng Nam có được, HTX này đăng ký thành lập từ năm… 2018.
“Kể cả HTX Dâu tằm tơ Mỹ Sơn (thôn La Tháp) và HTX Trần Hùng trong danh sách những HTX yếu kém, làm ăn không hiệu quả tại địa bàn xã Duy Châu đều không nằm trong định hướng thành lập, khuyến khích thành lập HTX ở địa phương. Chúng tôi không nắm được hoạt động của 2 HTX này. Riêng HTX Dâu tằm tơ Mỹ Sơn có treo biển đâu chừng mươi ngày, sau đó cũng lẳng lặng hạ xuống” - ông Nguyễn Văn nói.
Duy Châu từng là “điểm sáng” trong hoạt động HTX. Ông Trần Phước Văn - nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 1 Duy Châu (hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Châu) nói, giai đoạn thịnh vượng nhất của kinh tế hợp tác là từ năm 1984 - 1994, khi HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực như dịch vụ điện, thủy lợi và trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn. Lũ lụt, dịch bệnh hoành hành, sản phẩm dâu tằm tơ không có đầu ra, HTX bắt đầu đình đốn và giải thể.
“Câu chuyện của HTX ngày nay ít nhiều quay lại “vết xe đổ” của thời trước. Bây giờ, cho thuê đất để sản xuất, người dân không mặn mà, dù tiền thuê đất ở mức gần như… tượng trưng. Nguồn vốn ít, không thể huy động trong xã viên, định hướng hoạt động mờ nhạt nên HTX dần yếu kém và mất năng lực tồn tại” - ông Trần Phước Văn nói.
Không riêng Duy Châu, hiện có rất nhiều “bóng ma” HTX ở rải rác các địa phương của tỉnh. Mới đây, 2 đoàn công tác của Liên minh HTX Quảng Nam làm việc với chính quyền và các đơn vị liên quan của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thì có đến 119 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Khoảng 1/3 trong số này chỉ mới thành lập từ năm 2020 - 2021. Thành lập nhưng không thể hoạt động, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hàng loạt nguyên nhân nội tại khiến những HTX này chỉ còn “sống” trên danh nghĩa, do chưa thể làm thủ tục giải thể.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Quảng Nam, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, số lượng HTX ngừng hoạt động có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai ngày càng cực đoan.
Một số HTX làm ăn không hiệu quả nhiều năm liền, thua lỗ dẫn đến thiếu vốn. Cá biệt, có không ít HTX thành lập ra nhưng không hoạt động dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý cũng như hướng dẫn các thủ tục tiến hành giải thể HTX.
Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho hay, qua kiểm tra, các đoàn công tác nhận thấy một số HTX không hoạt động theo địa chỉ trụ sở đăng ký, cơ quan quản lý HTX không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật của HTX.
Trong quá trình hoạt động, nhiều HTX chưa có sự phối hợp và thực hiện chức năng nhiệm vụ như báo cáo định kỳ hằng tháng với Phòng Tài chính - kế hoạch, báo cáo với cơ quan thuế và các đơn vị liên quan cấp huyện. Vì vậy, việc hỗ trợ và hướng dẫn các HTX trong công tác giải thể gặp rất nhiều trở ngại.
Theo ông Bảy, quá trình đi kiểm tra ở các địa phương cũng gặp tình trạng số liệu HTX cập nhật chưa kịp thời, cán bộ theo dõi HTX chưa tiếp cận được số liệu, thông tin về HTX trên địa bàn mình quản lý. Một số địa phương không chuẩn bị báo cáo, không có danh sách theo dõi...
Một người làm giám đốc... 3 HTX
Câu chuyện trên chúng tôi ghi nhận được tại xã Đại An, Đại Lộc. Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Đại An nói, trên danh nghĩa, ông vẫn đang phụ trách thêm 2 HTX khác là HTX Nông nghiệp Đại An và HTX Dâu tằm tơ Đại An. Nếu cả 3 HTX đều đang ăn nên làm ra thì không nói làm gì, đằng này...
Tháng 12.2019, ông Lê Văn Hùng được UBND xã giao nhiệm vụ làm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại An. Ông Hùng bảo, nhận nhiệm vụ khi HTX chỉ còn con dấu và… đống hồ sơ.
Vài tuần sau khi ông nhận chức giám đốc, HTX nhận thông báo nợ hơn 270 triệu đồng tiền điện, rồi đến thông báo nợ thuế và phạt chậm nộp thuế 54 triệu đồng. Đến tháng 3.2020, thông báo phạt chậm nộp thuế và các khoản phạt lên đến 60 triệu đồng.Tháng 6.2020, HTX này dừng hoạt động và đang làm thủ tục giải thể.
Sau HTX Nông nghiệp Đại An, HTX Dâu tằm tơ Đại An ra đời, ông tiếp tục được giao làm giám đốc. Dịch Covid-19 làm chuỗi sản xuất gián đoạn, 5ha trồng dâu của HTX bỏ không, không nuôi được con tằm nào, lại tiếp tục dừng hoạt động.
“Từ giữa năm 2020 đến nay, tôi là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Đại An, trong khi 2 HTX trước vẫn chưa giải thể” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Lê Văn Hùng, HTX Nông nghiệp Đại An có hơn 1.100 xã viên nhưng không có danh sách cụ thể, không có tài sản, không có trụ sở, cán bộ cũ của HTX nghỉ việc, không bàn giao các hồ sơ thủ tục. Tương tự, HTX Dâu tằm tơ Đại An mới chỉ trồng được vài héc ta dâu, chưa đi vào sản xuất thì đã lâm vào cảnh chết yểu.
Hiện tại, từ các nguồn vốn, chính quyền địa phương đã đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi, phát triển một số mô hình sản xuất nhưng vẫn ở dạng mạnh ai nấy làm, chưa có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.
“Tôi vẫn đang giữ con dấu của 2 HTX cũ, chỉ chờ làm xong thủ tục để mang con dấu giao trả cho cấp trên. Việc làm thủ tục giải thể vẫn gặp nhiều khó khăn về hồ sơ, thủ tục. Trong khi đó, các HTX này vẫn chưa được nhận đồng hỗ trợ nào từ cơ chế” - ông Hùng cho biết.
-------------------------
Bài 2: Khó giải thể nên “sống dở, chết dở”