Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 552 HTX và 1 liên hiệp HTX, trong đó số HTX hoạt động kém hiệu quả chiếm khoảng 43%. Bên cạnh đó, dù nhiều HTX chỉ còn tồn tại trên giấy tờ, song muốn giải thể cũng không phải dễ...
Thành lập rầm rộ, nhanh chóng trầm lắng
Mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (huyện Đại Lộc) nói: “Nếu không linh hoạt vận động theo những chuyển động của thời cuộc, HTX rất khó thoát khỏi tình trạng hoạt động cầm chừng và đi đến mẫu số chung cho câu chuyện chậm đổi mới, đó là chết yểu”.
Thời gian qua, tại các cuộc họp, hội nghị liên quan lĩnh vực kinh tế hợp tác và HTX, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhiều lần nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể cần phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương mạnh dạn giải thể đối với HTX nhiều năm hoạt động yếu kém hoặc không hoạt động sản xuất - kinh doanh. Rà soát số lượng và tìm hiểu cụ thể thực trạng của các HTX thuộc diện cần tiếp tục duy trì hoạt động, từ đó có kế hoạch phối hợp giúp HTX kiện toàn bộ máy, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tích cực ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi số...
Tiếp nhận HTX Nông nghiệp Đại Minh ở điểm xuất phát “âm” với tổng số nợ lên đến gần 300 triệu đồng, chuyện ông Ngô Văn Phi thuyết phục vợ cầm cố “sổ đỏ” của gia đình vay vốn để rồi vực dậy cả HTX từ năm 2008 từng là điểm sáng cho việc thay đổi tư duy, thích nghi thời cuộc.
Ông Phi nói, thời điểm đó, ông đã lần dò để tìm từng “múi gỡ”, nhất là câu chuyện giải quyết nợ tiền điện trong dân.
“Từ năm 2010, chúng tôi xác định được lối đi cho mình, là liên kết sản xuất giống lúa theo phương thức hàng hóa tập trung. Chúng tôi mạnh dạn liên kết sản xuất giống lúa với doanh nghiệp để cứu HTX.
Hơn 10 năm liên kết sản xuất giống lúa, chúng tôi thấy đây là con đường sáng để bước ra khỏi khó khăn. Từ 50ha ban đầu, đến nay HTX Nông nghiệp Đại Minh hợp tác với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) sản xuất mỗi năm khoảng 200ha các loại hạt giống lúa thuần chất lượng cao, đạt tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm. HTX cũng tổ chức các hoạt động kinh doanh và dịch vụ khác, miễn sao có lãi và đảm bảo tính khả thi cao” - ông Phi chia sẻ.
Không có nhiều HTX nhanh nhạy thích nghi và tìm được lối ra cho sự tồn tại của mình như HTX Nông nghiệp Đại Minh. Những chuyển biến của nền kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19, giáng thêm những đòn chí mạng cho sự tồn tại của HTX.
Ông Nguyễn Thành Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh nói, trong số 38 HTX nông nghiệp - lĩnh vực thu hút nhiều HTX nhất hiện tại - có 4 HTX đang ngừng hoạt động, thuộc dạng giải thể; số còn lại, có đến một nửa hoạt động yếu kém, cầm chừng.
“Từ năm 2011 - 2013, việc thành lập HTX tương đối rầm rộ, nhưng rồi nhanh chóng trầm lắng. Ngành nghề sản xuất - kinh doanh của một số HTX còn đơn điệu, tính bền vững chưa cao, không mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất.
Theo khảo sát, các dự án, phương án phát triển sản xuất của nhiều HTX thiếu tính chủ động, không có vốn và chậm đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất. Số lượng HTX liên doanh, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản giữa HTX và hộ nông dân cùng các doanh nghiệp còn rất ít, thiếu tính bền vững” - ông Đức nhìn nhận.
Không dễ giải thể
“Khoảng 7 HTX ở Điện Bàn đã “mục xương”, xóa sổ từ lâu trên thực tế nhưng câu chuyện giải thể vấp phải rất nhiều rào cản” - ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn nói về thực trạng mô hình HTX trên địa bàn thị xã.
Lần lượt điểm tên số HTX “mục xương” ở các xã, phường trên địa bàn, ông Chơi than phiền, cấp ủy đảng, nhân dân địa phương đều đồng tình giải thể những HTX chỉ còn hư danh, nhưng thực hiện thì gặp khó khăn dai dẳng.
Khi HTX làm thủ tục giải thể, cơ quan thuế kiểm tra, yêu cầu hoàn thành nhiều nghĩa vụ thuế. Thực tế, các HTX này không còn tài sản phân chia, cơ sở vật chất lẫn vốn đều không có giá trị cao hoặc khó hóa giá nên việc giải thể... đứng bánh.
Thích nghi mới tồn tại
Ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho hay, những năm qua trên địa bàn thành phố có nhiều HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết - hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên.
“Hiện nay, địa phương có nhiều mô hình hiệu quả như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Xuân, HTX Nấm công nghệ cao miền Trung, HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam... Đây là hướng đi tích cực trong xây dựng HTX kiểu mới, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, từ đó giúp nông dân nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Ba nói.
Theo quy định của Luật HTX năm 2012, HTX muốn giải thể phải thành lập được hội đồng giải thể gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành và thành viên HTX.
Hơn nữa, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định giải thể, hội đồng giải thể phải có trách nhiệm thực hiện các công việc như thông báo về việc giải thể tới cơ quan quản lý nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho HTX; đăng báo địa phương nơi HTX hoạt động trong 3 số báo liên tiếp về việc giải thể; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với HTX về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, xử lý tài sản và vốn chung của HTX...
Trên thực tế, các HTX đã ngừng hoạt động, hoạt động yếu kém đều gặp khó về kinh phí tiến hành các thủ tục giải thể.
Thống kê của Liên minh HTX Quảng Nam cho thấy, có đến 14 HTX mất hoặc thất lạc con dấu, giấy chứng nhận sử dụng con dấu, giấy đăng ký HTX, thất lạc sổ kế toán; vướng mắc tài chính, tài sản giữa HTX và thành viên. Số khác gặp vướng về xử lý tài sản không chia, tài sản hình thành từ nhiều nguồn khi HTX giải thể, phá sản; bàn giao tài sản không chia sau khi giải thể.
Cá biệt, có nhiều HTX hoàn toàn mất liên lạc, như HTX Dịch vụ nông nghiệp Điện Nam 1, Điện Nam 3, Điện Nam 4, HTX Dịch vụ nông nghiệp 2 Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn)…
“Giải pháp hiện nay là rà soát trong số 119 HTX yếu kém chờ giải thể, chính quyền các địa phương sẽ mời các đại diện HTX lên làm việc, đơn vị nào muốn củng cố thì tiến hành đại hội, đưa ra phương án củng cố và đề xuất chính quyền cấp huyện, tỉnh tạo điều kiện chuyển đổi, tái cơ cấu. Những điều kiện có thể hỗ trợ như thu hút nhân lực chất lượng cao, thông báo các nguồn vốn hỗ trợ lãi suất mà HTX có thể tiếp cận.
Theo đánh giá, chỉ có khoảng 30% trong số này có khả năng củng cố. Đây là số HTX mới thành lập, bị đình đốn do đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng kéo dài và có khả năng phục hồi. Số còn lại chắc chắn không thể tiếp tục hoạt động và phải tìm cách hoàn thiện các thủ tục để giải thể” - ông Võ Bảy, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam nói.
-------------------
Bài cuối: Không hẳn mờ nhạt lối ra