Giữa nhịp sống sầm uất, sôi động của phố có mấy khi thị dân trân quý và nghĩ xa cho các giá trị thường nhật. Cho đến một ngày họ khắc khoải nhận ra sự hụt hẫng cả hữu hình lẫn vô hình vì thiếu đi những “mảng xanh”.
Giá trị ngày cũ
Từ xưa, quan niệm xây dựng nhà cửa của tiền nhân luôn đề cao cách bài trí “trước cau, sau chuối” nhưng càng lúc lối phong thủy kiến trúc trên càng nhạt nhòa, nhất là tại các đô thị bởi giờ đây với thị dân tấc đất là… tấc vàng. Cây cau có nhiều đốt, mọc cao, vươn thẳng, lá tít trên phần ngọn nên hấp thụ và thanh lọc bớt khí nóng rất thích hợp trồng trước ngõ nhà nên nhiều ngôi nhà ở quê vẫn trồng cau theo hàng xanh tít tắp.
Nhưng ở phố, nhất là vùng nội đô nhiều tuyến phố thậm chí còn không có thềm nhà, các nhà có cửa hiệu buôn bán muốn trưng biển hiệu quảng cáo xê dịch một chút đã đụng vỉa hè phải “lấm la lấm lét” canh chừng đội trật tự đô thị thì lấy đâu khoảnh đất để bài trí cây cối. Một chủ cửa hiệu vải ở Hội An ví von tếu táo: “Trước nhà tôi và mấy nhà khác cũng chình ình cây cao lêu nghêu đấy chứ nhưng khổ cái là cây… cột điện thôi”.
Ắt hẳn đến bây giờ nhiều trẻ con ở các đô thị vẫn nằm lòng và mê tít nhiều bài thơ trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhưng có lẽ khá nhiều trong số ấy cảm nhận được khoảng trời… trên ban công rồi tưởng tượng chứ thiếu đi một góc sân thực thụ.
Trong một hội nghị nông thôn mới tổ chức ở thị xã Điện Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vũ Văn Thẩm bày tỏ lo ngại về nhiều vùng ven đô của thị xã một mai trở thành đô thị rồi sẽ chóng vánh đánh mất đi hồn cốt của làng, nhất là các xã dọc quốc lộ. “Sân nhà, vườn tược không còn cây cau, bụi chuối thì nông thôn mới sẽ đánh mất giá trị truyền thống của nó” - ông Thẩm chia sẻ.
Có dịp đi khảo sát du lịch cộng đồng ở khu vực phường Cẩm An (TP.Hội An), ông Phan Xuân An - Chủ tịch Công ty Du lịch Tân Hồng - du ngoạn Việt thực sự trăn trở khi cả một làng chài mà thực ra bây giờ là “phố chài” trống hoác cây cối, trơ trọi giữa nắng. Ông An bộc bạch: “Tôi đi nhiều nơi cho giống cây để người dân trồng thì nhiều người than thở rằng sao không cho cái gì thiết thực hơn. Người ta chưa hiểu được trồng cây thì lợi đủ đường, hoặc ít ra cứ trồng thật nhiều hoa ở thềm nhà không chỉ phục vụ phát triển du lịch mà từ ngoài nhìn vào ngôi nhà cũng trở nên tươi tắn, có hồn hơn”.
Trăn trở của thị dân
Mấy hôm rồi rộ lên câu chuyện bầu không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng khi chỉ số giám sát chất lượng không khí (AQI) nhiều thời điểm (ngày 30.9) lên thang màu tím tức là vượt ngưỡng 250, ngưỡng nguy hại cho sức khỏe. Một người bạn tôi than thở rằng, nó có cảm giác khoan khoái dễ chịu hẳn khi vừa đáp xuống sân bay Đà Nẵng công tác mấy ngày rồi chợt thấy uể oải khi nhận ra mình sắp phải trở lại thủ đô làm việc và chỉ mong mùa mưa chóng đến để xua đi màn không khí đặc quánh. Với đặc thù của khu vực miền Trung, ngay cả các khu vực đô thị thì chỉ số AQI hiện cũng chỉ dao động quanh ngưỡng từ 50 đến 100 bởi chưa chịu nhiều hình thái tiêu cực tác động đến bầu không khí.
Nhưng từng ngày qua đi, phố ở đây cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khác bởi vòng quay đô thị hóa của mình. Chẳng phải ngẫu nhiễn mà các tổ chức quốc tế đang dần dành sự quan tâm nhiều hơn và ưu tiên các gói hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị và bán đô thị. Lẽ thường, các hạng mục hạ tầng mọc lên là thêm những “mảng xanh” bị hạ xuống.
Không nói đâu xa, ở khu vực bán đô thị như Đồng Nà, Cẩm Hà (TP.Hội An) chỉ cần một trận mưa lớn là đường ngập lênh láng, hình thành vũng tù nước đọng bởi nước không thoát đi đâu được. Mưa gió thì nước ngập lênh láng từ ngoài ngõ đến thềm nhà nhưng đến mùa khô hạn thì cuộc sống của cộng đồng thị dân bị đảo lộn do thiếu hụt nước ngầm dưới đất.
Theo PGS-TS. Đoàn Văn Cánh - Hội Địa chất thủy văn Việt Nam: “Các khu du lịch, resort ven biển và cả cộng đồng dân cư khi xây dựng cần giảm thiểu tối đa việc bê tông hóa để nước mưa không chảy hết ra biển một cách lãng phí từ đó dẫn tới hệ lụy mạch nước ngầm bị suy kiệt”.